LTS: Câu chuyện ùn tắc giao thông lâu nay là vấn đề thời sự ở các đô thị lớn như Hà Nội hay Tp Hồ Chí Minh. Đã có nhiều nguyên nhân,ĐixeSUVbántảiởHàNộilàkhôngthânthiệnvớicộngđồ7m ti so giải pháp được đưa ra, thậm chí là cả những tranh cãi về mặt chính sách như cấm xe máy, thu phí ô tô vào nội đô. Ở góc nhìn của một chuyên gia thiết kế không gian sống, vui chơi cho trẻ em, anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt đã đưa ra quan điểm về sự không thân thiện trong đô thị của dòng xe SUV, bán tải vốn có doanh số bán cao thời gian gần đây.
Anh Đạt cho rằng đã đến lúc cần có một chiến dịch cụ thể nhằm hạn chế xe SUV, bán tải hoạt động trong đô thị.
Xe SUV đang bóp nghẹt các đô thị, thiếu an toàn cho cộng đồng
Sự thay đổi rõ rệt nhất trong đời sống nội đô Hà Nội trong thời Covid-19 chính là sự tăng trưởng của người chạy bộ, đạp xe tại những nơi có không gian xanh, mặt nước. Bằng mắt của mình, tôi thấy số lượng trẻ em đạp xe và đi bộ cùng bố mẹ cũng tăng lên mỗi khi đi làm trong các khung giờ sáng chiều quanh khu vực Hồ Tây.
Tương phản với đó là khu vực hai con rồng gốm sứ luôn là nút cổ chai bởi 3-4 xe ô tô đỗ uống cà phê. Nghĩa là chỉ khoảng 4 người thu nhập khá và cao đi giải trí có thể cản trở cả một luồng giao thông vận động của hàng chục và hàng trăm người khác trên một lần uống/buôn chuyện/hóng gió.
Trong các loại xe 4 bánh nội đô, SUV là dòng xe gây phản cảm nhất về độ choán giao thông và đa phần thời gian sử dụng của nó chở một người lái. Mỗi khi lưu thông trên đường và dừng đỗ ở bất kỳ đâu, 1 chiếc xe SUV có chiếm hữu không gian công cộng lớn hơn các dòng xe 4 bánh khác.
Không chỉ ở Việt Nam, doanh số SUV tăng nhanh và trở thành xu hướng lựa chọn tại thị trường châu Âu và nó thực sự là một thách thức với chính quyền đô thị. Dòng xe này được quảng bá thể hiện sự nam tính, bệ vệ, vượt trên mọi địa hình, che chở cả cả gia đình nhưng là gánh nặng về không giao thông, an toàn giao thông lẫn môi trường đô thị.
Tại Mỹ, SUV là một chủ đề gây tranh cãi. Ví dụ như độ an toàn của xe, có lợi cho người ngồi trong (khung cứng, vị trí ngồi cao) nhưng lại có hại cho phương tiện khác đặc biệt là xe 2 bánh và người đi bộ, trẻ em do chiều cao đi cùng với điểm mù. Trọng lượng xe lớn hơn truyền nhiều lực hơn khi va chạm và vì khoảng sáng gầm cao khiến chúng dễ đâm vào đầu hoặc thân người hơn là chân.
Năm 2019, một vụ tai nạn do xe SUV tại Berlin (Đức) đã thổi bùng sự giận dữ đến mức đã có người xuống đường biểu tình đòi cấm xe SUV đi trong nội đô. Stephan von Dassel, thị trưởng quận Berlin-Mitte, cho biết "những chiếc SUV giống như chiến xa" không thuộc về các thành phố. Oliver Krischer, phó lãnh đạo đảng Xanh trong quốc hội Đức, kêu gọi hạn chế kích thước đối với những chiếc 4x4 được phép vào các trung tâm đô thị. Ông nói với tờ báo Der Tagesspiegel: “Giải pháp tốt nhất sẽ là cho phép chính quyền địa phương đặt ra các giới hạn về kích thước xe được hoạt động như một bộ quy tắc chung.”
Thậm chí tại Frankfurt đã có khoảng 15.000 đến 25.000 người đã tụ tập trong một tháng phản đối xe SUV tại sự kiện ra mắt Triển lãm Ô tô Frankfurt, các nhà hoạt động đã leo lên đỉnh những chiếc xe SUV, cầm biểu ngữ có nội dung “Klimakiller” (lũ giết môi trường).
Các hãng xe lâu nay đã rất nỗ lực để “tiêm” vào đầu khách hàng suy nghĩ rằng xe SUV là một phương tiện bảo đảm độ an toàn cao hơn các dòng xe khác. Đồng thời tiện nghi trên xe cũng ngày càng đáp ứng nhu cầu làm việc, giải trí của người dùng. Nhờ đó, theo thời gian, thị phần của xe SUV ngày càng gia tăng, nhất là ở châu Âu. Trước đại dịch Covid-19, tại châu Âu, doanh số bán xe SUV có mức tăng vọt từ 7% thị trường năm 2009 lên 36% năm 2018.
Tuy nhiên, thị phần xe SUV tăng được liên hệ tỷ lệ thuận với các vụ tai nạn giao thông gây tử vong cho người đi bộ.
Tại Mỹ, theo IIHS (Hiệp hội An toàn Đường cao tốc), các vụ va chạm với người đi bộ liên quan đến xe SUV đã tăng 81% từ năm 2009 đến năm 2016. Một báo cáo của IIHS cho thấy số người đi bộ tử vong trong các vụ va chạm với ô tô đã tăng 30% từ năm 2013 đến năm 2017, trong đó những trường hợp liên quan đến xe SUV tăng 50%.
Xu hướng không khuyến khích xe SUV ở đô thị tăng dần
Sự nguy hiểm của xe SUV chính là lý do khiến nhiều thành phố tại châu Âu và Mỹ tìm cách hạn chế loại xe này. Ở Massachusetts (Mỹ), thị trấn Marlborough cho phép tới 1/3 chỗ đỗ xe dành cho ô tô nhỏ. Việc phân bổ nhiều không gian hơn cho ô tô nhỏ có thể khuyến khích người lái xe chọn một phương tiện dễ đỗ hơn. Các thành phố thậm chí có thể yêu cầu tỷ lệ đậu xe nhỏ gọn cao hơn trong các dự án phát triển bất động sản.
Bên cạnh sự khuyến khích thay đổi lựa chọn của người dân, một cách tiếp cận khác có tác dụng tương tự: Tăng mức phạt và cưỡng chế đối với những người lái xe SUV, bán tải cồng kềnh gây cản trở vỉa hè, làn đường dành cho xe cộ hoặc các điểm đỗ xe.
Còn đối với các nhà quy hoạch đô thị, xu hướng thiết kế thành phố nhỏ hơn, an toàn hơn cũng là một cách xử lý vấn đề từ gốc.
Khác với tư duy của thế kỷ 20, đường xá được làm to hơn cho việc thuận tiện ô tô, đã gây ra các phản ứng phụ: đường phá khu dân cư, đường to dễ phóng nhanh vượt ẩu, đường to làm người dân lười đi bộ do sang đường bất lợi, hoạt động cộng đồng bị suy giảm dẫn đến sức khoẻ đô thị suy giảm...
Ngày nay xu hướng thiết kế đô thị để trẻ em và người già thấy thuận tiện đi lại từ nhà đến trường, siêu thị là một con đường đúng đắn. Các con đường thu hẹp lại sẽ khiến người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng xe 4 bánh loại nhỏ nhiều hơn. Vào năm 2016, Sở Cảnh sát Thành phố New York đã mua 200 chiếc xe Smart dùng để tuần tra và đã tạo được thiện cảm bất ngờ với người dân, họ cảm thấy chúng rất thích hợp và đáng yêu với đô thị, ai cũng muốn chụp ảnh “check in” cùng loại xe nhỏ nhắn này.
Nhưng để thuyết phục người tiêu dùng lựa chọn phương án khác ngoài SUV không thể chỉ ra mỗi mặt trái của nó (tai nạn, ô nhiễm) bởi có những mẫu sedan cũ còn tệ hơn. Quan trọng là đặt người dân vào mối quan hệ giữa bản thân với người xung quanh.
Phải làm cách nào để các chủ xe khi bước ra khỏi ô tô sẽ nhận thức được họ cũng là người đi bộ, người già và lũ trẻ con, thấy được sự nguy hiểm của những chiếc ô tô to lớn trên con đường nhỏ. Hoặc, họ sẽ cần đặt câu hỏi, có thật mình cần sử dụng hết công năng SUV thường xuyên không? Bởi theo phân tích từ các chuyên gia, 75% chủ sở hữu xe bán tải chỉ sử dụng khả năng kéo khỏe của xe một lần/ một năm hoặc hoàn toàn không sử dụng. Tương tự ở xe SUV, những không gian thừa thãi bên trong hầu như không được sử dụng hàng ngày trừ lễ tết, hội họp hoặc roadtrip hiếm hoi trong năm.
Cá nhân tôi có suy nghĩ, người dân Hà Nội cũng đang đối mặt với sự không thân thiện của xe SUV/bán tải khi mật độ dân số gia tăng, nhất là ở những khu vực trung tâm. Chúng ta cần một chiến dịch nghiêm túc để thay đổi thói quen sử dụng xe ô tô như là một trong các giải pháp chống ùn tắc, từ chế tài đến chính sách hỗ trợ khuyến khích các hãng xe ưu tiên dòng xe nhỏ cho các công dân sống nội đô.
Nguyễn Tiêu Quốc Đạt
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!