Với truyền thống và phong tục của Việt Nam,íđiểmgiámsátantoànthựcphẩmtạicácbữacỗkeocopa các bữa cỗ tập trung đông người thường xuyên được tổ chức, bao gồm các bữa ăn trong tiệc cưới, giỗ, sinh nhật, tân gia, đám hiếu… Tuy nhiên điểm chung của hầu hết các bữa cỗ này đều tự nấu, không có cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm giám sát nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc.
Liên tiếp trong những năm qua xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể liên quan đến các bữa cỗ đông người.
Các bữa cỗ đông người tại cộng đồng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm không đúng quy định. Ảnh: M.Hương |
Đau lòng nhất là vụ việc xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vào tháng 2/2017 khiến 9 người chết, gần 100 người nhập viện sau khi ăn cỗ tại đám ma. Các bệnh nhân đều có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn ói…
Đến ngày 8/3/2017, UBND tỉnh Lai Châu kết luận, nguyên nhân vụ ngộ độc do dụng rượu có nồng độ Methanol vượt ngưỡng cho phép rất nhiều lần. Kết quả xét nghiệm của cơ quan công an và pháp y cũng khẳng định nguyên nhân tử vong của 9 nạn nhân là do ngộ độc Methanol – cồn công nghiệp.
Cùng năm, tại Vị Xuyên, Hà Giang xảy ra vụ ngộ độc tại đám hỏi khiến 55 người nhập viện, 3 người tử vong. Trong bữa cơm có khoảng 60 người cùng ăn, gồm các món: Thịt lợn xào; canh xương nấu đu đủ; uống rượu gạo và cơm tẻ. Sau 10 ngày điều tra, cơ quan chuyên môn y tế cho biết, nguyên nhân của vụ ngộ độc thực phẩm này là do thực phẩm nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng.
Mới nhất vào tháng 5 vừa qua, sau khi ăn cưới tại nhà anh Lầu A Páo, xóm Ngàm Vàng xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, đã có 2 trẻ tử vong, 20 người bị các các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy. Bữa cỗ trong đám cưới do người dân trong xóm tự nấu gồm các món như đậu phụ, thịt lợn xào, mì tôm xào trứng, giá đỗ... Nguyên nhân tử vong sau đó được xác định do ăn phải thức ăn bị thiu và đưa bệnh nhân đi cấp cứu chậm trễ.
Còn hàng loạt vụ ngộ độc tập thể khác như vụ ăn cỗ khánh thành, 157 người ở Bắc Ninh phải nhập viện; ăn cưới tại Đắk Lắk, 200 người ngộ độc; gần 100 người ngộ độc sau ăn cỗ cưới tại Hải Dương…
Đánh giá được những nguy cơ trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An đã triển khai mô hình điểm Giám sát an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người ở cộng đồng tại 21 phường, xã, thị trấn của 21 huyện, thị xã thuộc thành phố Vinh. Chương trình thí điểm triển khai từ đầu năm 2021.
Sau 10 tháng cho thấy, mô hình này có hiệu quả. Các địa phương tham gia thí điểm đều lập tổ tư vấn, tổ giám sát các bữa cỗ, lưu mẫu thức ăn… trong đó ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Công tác truyền thông về an toàn thực phẩm cũng được linh hoạt lồng ghép trong các nội dung giao ban, sinh hoạt khối xóm, tổ dân cư và tuyên truyền qua hệ thống phát thanh đến tận người dân.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An chỉ ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm làm 5 người mắc, không có trường hợp tử vong và không thuộc loại hình bữa cỗ tập trung đông người tổ chức tại cộng đồng.
So với cùng kỳ 2019, toàn tỉnh có 4 vụ ngộ độc, 66 người nhập viện, trong đó có 2 bữa cỗ với 36 người ngộ độc, năm 2020 có 3 vụ ngộ độc với 17 người mắc (trong đó bữa cỗ tập trung đông người tổ chức tại cộng đồng ghi nhận 1 vụ ngộ độc với 8 người mắc).
Với những hiệu quả bước đầu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục giám sát tại các địa phương đang thí điểm để có cơ sở đánh giá và nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, phạm vi các bữa cỗ thu nhỏ hơn, tuy nhiên một số địa phương, chính quyền tại Nghệ An vẫn đang tiếp tục vận động người dân ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm kết hợp phòng chống dịch trong quá trình tổ chức các bữa cỗ.
Ngoài Nghệ An, nhiều địa phương khác cũng đã triển khai rất hiệu quả mô hình bữa cỗ đông người, trong đó có Hà Nội.
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, hầu hết các vụ ngộ độc thức ăn trong các bữa cỗ, bếp ăn tập thể đều liên quan đến thói quen “đơn giản” trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến… khiến thực phẩm bị nhiễm độc, thực phẩm không đảm bảo chất lượng... ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.
Ngoài ra, các bữa ăn tập thể tại cộng đồng hầu như không lưu lại mẫu thức ăn, khi xảy ra ngộ độc thực phẩm cần nhiều thời gian để xác định nguyên nhân. Do đó, mỗi người dân, mỗi gia đình cần thay đổi dần thói quen trong lựa chọn, chế biến thực phẩm, đặc biệt tại các bữa cỗ đông người.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.
Minh Tú