Vốn là người tri thức,ảnđángnểcủaôngchủkháchsạngiàunhấtBìnhThuậbảng tỷ số bóng đá hào hoa, ông Phạm Ngọc Thìn đã chiếm được trái tim và lập gia thất với bà Huỳnh Thị Khá, một tài tử nổi tiếng với nghệ danh Quỳnh Khanh.
Ông chủ hotel Trung Kỳ Phạm Ngọc Bình
Một bài viết trên tờ “Phụ nữ Tân văn” xuất bản tháng 11 năm 1934 có đoạn: “... Chúng tôi đến Phan Thiết. Ghé nhà hàng Trung kỳ (hotel Trung Kỳ) ăn điểm tâm.
Nhà hàng Trung Kỳ của ông chủ Phạm Ngọc Bình. Nhà hàng khá to, phòng sạch sẽ và nấu ăn rất khéo. Đẹp nhứt là có cái sân hóng mát trên nóc nhà.
Độ nọ chúng tôi ra Huế có ghé trọ nơi đây. Khi bồi tính tiền ăn, chúng tôi lấy làm lạ vì có nhiều món ăn có tên thật đặc biệt như là Pétards Annammit, Casse Cou....”.
Từ những thông tin trên tờ báo này đã thôi thúc chúng tôi đi tìm hiểu về hotel Trung Kỳ và ông chủ Phạm Ngọc Bình ở Phan Thiết.
Ông Phạm Ngọc Bình. |
Những năm cuối thập kỷ 20 của thế kỷ trước, tại Bình Thuận nổi lên một nhân vật có tài kinh doanh và là chủ nhiều cơ sở thương mại lớn ở Phan Thiết, đó là ông Phạm Ngọc Bình.
Cùng với bà Chín Lâu (chủ hãng nước mắm Hồng Hương) ông Bình sở hữu nhiều nhà cửa, đất đai, ruộng vườn tại Phan Thiết và là một trong những người giàu nhất Bình Thuận thời ấy.
Tìm hiểu về thân thế của ông Phạm Ngọc Bình chúng tôi được biết ông Phạm Ngọc Bình là con trai thứ bảy của ông Phạm Ngọc Cảnh, người anh em với ông Phạm Ngọc Quát (ông nội bác sĩ Phạm Ngọc Thạch). Ông Bình có vóc dáng bé nhỏ nên mọi người thường gọi ông bằng cái tên Bảy Đẹt.
Mặc dù là người có chữ so với nhiều cư dân thời đó nhưng ông Bình không chọn con đường làm quan như những người thân của mình mà chỉ chú tâm vào công việc kinh doanh.
Do thời ấy, người dân Phan Thiết đã sản xuất nước mắm với sản lượng lớn nhưng chỉ có một vài hộ lớn mới có điều kiện đưa nước mắm ra thị trường ngoài tỉnh bán.
Nắm bắt cơ hội này ông Bình đã mua sỉ lại nước mắm của các hàm hộ nhỏ rồi đem bán ra miền Trung, miền Bắc và mua hàng hóa ở các tỉnh về Bình Thuận bán lại.
Với tài kinh doanh cùng mối quan hệ với chính quyền thuộc địa Pháp và quan lại ở các tỉnh, ông Bình đã xây dựng được kênh kinh doanh phân phối hàng hóa giữa Bình Thuận với khắp nơi. Ông trở thành nhà cung cấp hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm lớn nhất ở Bình Thuận thời đó.
Từ cuối thập kỷ 20 của thế kỷ trước, đô thị Phan Thiết bắt đầu phát triển từ vài ba con đường nhỏ và những xóm nhà tranh vách đất. Đến năm 1933 mặc dù được công nhận là thành phố nhưng bộ mặt đô thị hầu như không có gì.
Là người từng đi sang Pháp và đặt chân đến các đô thị lớn trong cả nước, ông Bình nhận ra ngay cơ hội kinh doanh bất động sản tại Phan Thiết.
Đặc biệt đây là thời điểm chợ Phan Thiết được chuyển từ ven sông Cà Ty về vị trí hiện nay, chính quyền quy hoạch lại con đường thuộc địa số 1 (QL1) đi ngang qua chợ (đường Nguyễn Huệ ngày nay) và giao cho một công ty người Pháp xây dựng một dãy nhà lầu phía đối diện chợ để bán cho dân.
Ông Bình đã nhanh chóng bỏ tiền mua nguyên một dãy phố từ Ngã bảy đến Ngã tư quốc tế (Nguyễn Huệ - Ngô Sĩ Liên) và cho những hộ kinh doanh thuê lại.
Khu vực ở phía sau dãy nhà này khi đó còn hoang sơ, ông Bình cũng đã mua và xây dựng thành một dãy phố trên đường Nguyễn Tri Phương ngày nay. Do có mối quan hệ làm ăn thân thiết với người Pháp nên các công trình kiến trúc tại Phan Thiết do người Pháp xây dựng đều được bán lại cho ông Bình.
Dãy nhà cổ trên đường Khải Định (Nguyễn Văn Cừ ngày nay), đường Đồng Khánh (Trần Phú ngày nay) ông Bình cũng mua lại từ người Pháp rồi bán lại cho những người giàu có thời đó như Lục Thị Đậu, Thất Ngàn, Hồng Hương và một số người Hoa khác.
Người Bình Thuận thời đó ai cũng biết mối quan hệ khá thân thiết và sau này là sui gia với nhau của ông Bình và bà Hồng Hương. Chính ông Bình là người dẫn dắt bà Hồng Hương vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Tòa nhà UBND TP Phan Thiết ngày nay và 2 dãy phố cổ trên đường Ngô Sĩ Liên và Chu Văn An ở phía hai bên tòa nhà này được ông Bình và bà Hồng Hương mua lại từ ông Langlet, một thương gia người Pháp rất nổi tiếng ở Bình Thuận.
Bà Hồng Hương sở hữu tòa nhà chính và dãy nhà đường Ngô Sĩ Liên, ông Bình sở hữu dãy nhà đường Chu Văn An.
Nhận thấy Phan Thiết thời đó chỉ có một khách sạn lớn của người Pháp ở phía đầu cầu Quan (Tỉnh ủy ngày nay) và chỉ phục vụ người Pháp, trong khi người Việt đến Phan Thiết không có nơi thuê trọ, ông Bình đã mua lại tòa nhà lầu lớn nhất Phan Thiết thời đó ở khu vực Ngã bảy làm khách sạn, nhà hàng và đặt tên “Hotel Trung Kỳ”.
Bài viết về hotel Trung Kỳ trên tờ “Phụ Nữ Tân Văn” năm 1934. |
Việc một người Việt làm chủ một nhà hàng, khách sạn lớn là một sự kiện gây bất ngờ và thú vị đối với nhiều người Việt và cả người Pháp mà báo “Phụ nữ Tân Văn” có bài viết như phần đầu đã nêu.
Hotel Trung Kỳ có thời gian là trường tiểu học Hoàng Tỷ, bida Anh Đào, bưu điện Phan Thiết và ngày nay là trụ sở chi nhánh một ngân hàng tại Bình Thuận.
Ngoài hotel Trung Kỳ ông Bình còn mua lại rạp hát Bà Đầm của bà Oggéri người Ý trên đường Nguyễn Huệ ngày nay và cho cải tạo, tân trang lại rồi đặt tên là rạp Modern. Rạp Mordern giai đoạn này chỉ phục vụ các đoàn hát chứ chưa chiếu phim như sau này.
Từ năm 1960, do sức khỏe yếu ông Bình không tham gia kinh doanh nữa và giao lại toàn bộ gia sản cho con trai mình là ông Phạm Ngọc Thìn.
Phạm Ngọc Thìn và rạp Ngọc Thúy
Ông Phạm Ngọc Bình có hai người con trai là Phạm Ngọc Thìn và Phạm Ngọc Minh.
Ông Phạm Ngọc Thìn. |
Ngay khi các con còn nhỏ ông Phạm Ngọc Bình đã chú trọng đầu tư cho việc học của các con. Sau khi học xong tiểu học Pháp Việt tại Phan Thiết, ông Bình cho hai con vào Sài Gòn học tiếp trung học rồi gởi anh em ông Thìn sang Pháp học.
Ông Phạm Ngọc Minh sau khi học xong ở Pháp về lập gia đình với người con gái thứ ba của bà Chín Lâu (chủ hãng nước mắm Hồng Hương) và trở lại Pháp sinh sống.
Riêng ông Phạm Ngọc Thìn sau khi học xong chương trình hành chính ở Pháp thì về Phan Thiết sống cùng với cha.
Không chọn con đường kinh doanh như cha, với kiến thức và bằng cấp học từ Pháp ông Thìn đã được chính quyền mời vào làm công việc quản lý hành chính của tòa tỉnh Bình Thuận.
Ông đảm đương nhiều chức vụ hành chính trong chính quyền và được bổ nhiệm làm thị trưởng Phan Thiết. Sau khi hết nhiệm kỳ thị trưởng, ông Thìn xin thôi công việc trong chính quyền để ra làm dân sự.
Do là người có địa vị, trí thức và tâm huyết với sự học của người Bình Thuận, ông Thìn tham gia thành lập trường Tiến Đức và là vị hiệu trưởng đầu tiên của trường với tên gọi ban đầu là trường Nam Tiến, tọa lạc trong tư thất của ông Thìn ở đường Đồng Khánh (nay là Trần Phú).
Sau đó trường đổi tên là Tiến Đức và chuyển đến tòa nhà thuê lại của bà Hồng Hương trên đường Trần Hưng Đạo.
Vốn là người tri thức, hào hoa ông Thìn đã chiếm được trái tim và lập gia thất với bà Huỳnh Thị Khá hay còn gọi là cô Bê.
Bà Huỳnh Thị Khá là người Phan Thiết nhưng được người dân biết đến là một tài tử nổi tiếng với nghệ danh Quỳnh Khanh.
Bà Huỳnh Thị Khá (tức tài tử Quỳnh Khanh), vợ ông Phạm Ngọc Thìn. |
Từ thập kỷ 30, nữ tài tử Quỳnh Khanh được cả nước biết đến với những vai chính trong các phim "Cánh đồng ma và trận phong ba", phim trắng đen 16 ly “Trọn với tình” của đạo diễn Nguyễn Tất Oanh từ Pháp về hợp tác với hãng Asia thực hiện năm 1937, phim “Vụ án tình” trong thập niên 50 mà lịch sử điện ảnh Việt Nam ghi nhận.
Sau khi nhận thừa kế tài sản từ cha, khoảng năm 1962 ông Thìn đã tiến hành đầu tư, cải tạo, nâng cấp lại rạp Modern thành rạp chiếu bóng và đặt tên rạp là Ngọc Thúy, tên một người con gái của ông Thìn và bà Bê.
Rạp Ngọc Thúy ra đời là một sự kiện mới làm thay đổi bộ mặt của Phan Thiết vì rạp thiết kế văn minh, hiện đại hơn hai rạp chiếu bóng cũ (rạp Ciné Star và Hồng Lợi). Rạp Ngọc Thúy có ghế nệm rơm bọc simili màu hồng bắt mắt.
Khi rạp bắt đầu hoạt động, cũng là lúc dòng phim võ hiệp Hồng Kông của hãng Gia Hòa ồ ạt trình chiếu. Những diễn viên Hồng Kông Khương Đại Vệ, Địch Long, Trịnh Phối Phối… đã thu hút khán giả đến với rạp.
Rạp Măng Non (tức rạp Ngọc Thúy trước 1975). |
Do không có người trông coi, đến khoảng năm 1967 ông Thìn sang nhượng lại rạp Ngọc Thúy cho người cháu gọi bằng cậu là ông Trần Văn Long.
Ông Long và gia đình đứng ra kinh doanh, khai thác rạp Ngọc Thúy từ thời gian này đến năm 1975. Sau năm 1975 rạp đổi tên thành rạp Măng Non và hiện nay vị trí này thuộc quản lý của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Tỉnh.
Sau năm 1975, ông Thìn và gia đình sang Pháp sinh sống và mất tại Pháp cách đây vài năm.
Gia tộc bác sĩ Phạm Ngọc Thạch từng góp phần không nhỏ vào sự hình thành và phát triển của đô thị Phan Thiết.