Tiến sĩ Erica J. Peters là đồng sáng lập và giám đốc Hội Sử gia Ẩm thực Bắc California. Bà nhận bằng cử nhân từ Đại học Harvard và bằng tiến sĩ lịch sử từ Đại học Chicago. Bà viết về nhiều khía cạnh khác nhau của lịch sử và ẩm thực Việt Nam đã trình bày tại nhiều hội nghị trên khắp nước Mỹ và nước ngoài.
Sách Khoái khẩu và khát vọng. Ảnh: QM. |
Trong cuốn Khoái khẩu và khát vọng, Erica J.Peters đã chọn một lối tìm hiểu quá khứ độc đáo: nghiên cứu xã hội con người qua cách họ ăn uống. Đây là một khuynh hướng quan trọng của sử học thế giới: nghiên cứu không chỉ những lịch sử “lớn” như chính trị, kinh tế, chiến tranh... mà mở rộng trường nghiên cứu đến cả các lĩnh vực “nhỏ” như thời trang, ẩm thực, vui chơi...
Trong lời dẫn nhập cuốn sách, Erica J.Peters viết: “Đồ ăn không chỉ cho biết con người ta là ai mà còn cho biết họ muốn trở thành như thế nào. Nghiên cứu về đồ ăn không nên chỉ xem xét bản sắc được hình thành ra sao qua đồ ăn mà còn phải xem các cá nhân đã dùng đồ ăn để thúc đẩy những lợi ích và khát vọng của bản thân thế nào”.
Tuy là góc nhìn “nhỏ” nhưng không có nghĩa là tầm thường mà là tìm một “lối vào” khác, một hướng tiếp cận khác, một cái nhình sinh động về quá khứ. Và qua góc nhìn này tác giả nhìn đời sống của một cộng đồng gần hơn đến sự thật lịch sử, phát hiện ra những động lực, những tiến trình ẩn khuất của lịch sử.
Theo Erica J.Peters, để viết cuốn sách, bà đã tập hợp và xử lí một khối lượng tư liệu khổng lồ về Việt Nam bao gồm lịch sử (công sử và tư sử), những biên chép phi hư cấu thời Trung đại, văn chương chữ Hán và chữ Nôm Trung đại, các tài liệu folklore, văn khố của chính quyền thuộc địa và báo chí cũng như văn chương thời Pháp thuộc, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
Chỉ riêng khối lượng tư liệu/sử liệu đó cũng đã là một đóng góp lớn của cuốn sách. Nó hệ thống hóa cho người muốn tìm hiểu Việt Nam một danh mục tư liệu đồ sộ và có thể tham khảo trong nhiều nghiên cứu khác.
Tiến sĩ Erica J. Peters. Nguồn: ericajpeters. |
Khoái khẩu và khát vọngđề cập đến tính đa dạng trong phong cách ẩm thực ở thôn quê thời thuộc địa, sự du nhập, dung hợp ẩm thực Á - Âu, Việt Nam - Trung Quốc - Pháp, và cách mà con người phản ứng với những thay đổi về đồ ăn thức uống (nước mắm, rượu, lúa gạo, bơ sữa, đồ ăn Pháp…) mà họ phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày dưới chế độ thực dân.
Không như dòng tít phụ trên tiêu đề cuốn sách thể hiện , Khoái khẩu và khát vọng không chỉ dừng lại ở thế kỉ 19 với cuộc khởi nghĩa của anh em Tây Sơn và sau đó là sự chiến thắng của nhà Nguyễn, sự khởi sinh của một vương quốc trên đà thống nhất có lãnh thổ lớn nhất trong lịch sử cho đến lúc đó. Những nghiên cứu của tác gia còn kéo dài cho đến tận thế kỉ 20, đến giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, khi mà chế độ thuộc địa đã được thiết lập và người Việt Nam vừa phải đối diện với chủ nghĩa thực dân, vừa phải đối diện với văn hóa phương Tây.
Trong cuốn sách, tác giả chọn ra những “điểm”, những hiện tượng trọng tâm đánh dấu những thay đổi trong cách người Việt ăn uống trong suốt thế kỉ 19 đầu 20:
Đầu tiên là nạn đói thúc đẩy cuộc cách mạng Tây Sơn. Tiếp đó, vua Gia Long lên ngôi đã dùng đồng lúa để gia cố cho nền móng quyền lực của vương triều.
Thời vua Minh Mạng, với tầm nhìn về sự hài hòa nông nghiệp với cách ẩm thực trên khắp Việt Nam, vua hy vọng nhất thống giang sơn, dập tắt những cuộc nổi loạn và đẩy lui những kẻ sớm sẽ là thực dân châu Âu. Nhưng ông không thể hiện thực hóa tầm nhìn ấy. Tình trạng nghèo đói và sự phản kháng trong dân chúng đã ngăn cản tham vọng của triều đại.
Tiếp đó sách nhìn vào những khát vọng đang thay đổi của cách ẩm thực ở vùng nông thôn thuộc địa Pháp. Khi mang quân đến, Pháp đã từng chút một chiếm lấy giang sơn của nhà Nguyễn, chiếm miền Nam vào thập niên 1860 và các đô thị phía Bắc vào thập niên 1880.
Tuy nhiên, ở nông thôn, các cuộc đấu tranh quy mô nhỏ kéo dài hàng thập niên, chứng tỏ rằng người châu Âu không thể mang lại trật tự hoặc giải quyết vấn đề cái đói. Để tồn tại, dân làng đưa ra những giải pháp riêng, đôi khi hòa hợp, đôi khi xung đột với nhau.
Tiếp đó, sách bàn về cách người Pháp thay đổi mùi vị của hai trong số các sản phẩm phổ biến nhất trên khắp Việt Nam, nước mắm và rượu nếp. Nhà nước thuộc địa Pháp cần tăng cường tài chính để bảo vệ ngân sách quốc gia của Pháp. Các loại thuế mới có vẻ hứa hẹn, đặc biệt đối với hai nhu yếu phẩm của làng: rượu nếp và muối.
Những sự kiềm tỏa chưa từng có tiền lệ áp lên việc sản xuất và phân phối rượu nếp cùng muối nhanh chóng ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của hầu như tất cả mọi người sống ở Việt Nam thời điểm đó.
Bắt đầu từ năm 1902, nhà nước Pháp ra lệnh dân làng phải mua rượu từ các công ty đã được phê chuẩn thuộc sở hữu của Pháp – nơi tạo ra loại thức uống “tinh khiết”, rẻ hơn, thay cho thứ rượu nếp của làng. Đáng tiếc là rượu gạo của công ty có mùi vị dở tệ.
Dân làng khắp đất nước từ chối nó, kết hợp từ những lời thỉnh nguyện sáng tạo tới nhà nước trên lý lẽ khẩu vị ưa thích của người tiêu dùng cho đến những hình thức bạo lực có vẻ cổ xưa như dùng gậy tre tấn công công chức nhà Đoan có vũ trang.
Những dân quê nghèo cùng thân sĩ phối hợp với nhau để đương đầu với sự đàn áp cùng những lời hùng biện hoa mỹ của Pháp bằng nhiều chiến lược linh hoạt, mạnh mẽ.
Ngoài ra sách cũng nói đến cách người Hoa đưa các yếu tố văn hóa của mình đến với ẩm thực ở Việt Nam; sự kháng cự phổ biến nơi người Pháp đối với việc ăn các đồ ăn “bản xứ” nói chung, ngoại trừ trái cây nhiệt đới.
Cuối cùng sách trình bày khả năng đón nhận văn hóa Pháp thông qua ẩm thực của tầng lớp thành thị mới người Việt Nam.
Với việc chọn những “chủ điểm” trọng tâm và đắt giá, Khoái khẩu và khát vọng đã đạt được giá trị vượt lên trên câu chuyện về ăn uống. Đó là hành trình của một dân tộc đi đến sự thống nhất cuối thời Trung đại, cách họ kháng cự lại sự xâm lược của người Pháp và chế độ thuộc địa, cách họ tiếp nhận các yếu tố văn hóa ngoại lai.
Tóm lại, Khoái khẩu và khát vọnglà một công trình nghiên cứu Việt Nam công phu và có chất lượng, mang đến nhiều tri thức mới về lịch sử và lịch sử văn hóa Việt Nam. Công trình được chuyển ngữ một cách nghiêm túc với tiến trình Việt hóa hiện đại nhưng vẫn giữ được sự hấp dẫn và rất dễ tiếp cận.
------------
Cuốn sách Khoái khẩu và khát vọng được Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII năm 2024.
Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gialần thứ VII (2024) được tổ chức vào 20h ngày 29/11/2024 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), truyền hình trực tiếp trên VTV1 và Tri Thức - Znews. Đơn vị tài trợ: Vingroup, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Tổng công ty Giấy Việt Nam.