Túi vải cotton,ủnghoảngthừatúivảthứ hạng của parma túi vải không dệt, túi giấy, ống hút tre... dần trở thành xu hướng, được giới trẻ yêu thích và mở ra một thị trường kinh doanh mới. Đây đều là những thúc đẩy cung - cầu tích cực, khi nhận thức về tính bền vững và sự quan tâm của giới trẻ đối với bảo vệ môi trường và chất lượng sống ngày càng được nâng cao.
Nhưng khi những chiếc túi vải, thường mang hình ảnh của nhãn hàng hoặc nhà tài trợ, đầy ắp trong tủ đồ, đến mức nhiều trong số đó chưa từng được sử dụng, tôi bắt đầu nhận nhận ra, dùng túi vải không đồng nghĩa với việc làm cho môi trường trở nên bền vững hơn, đặc biệt là khi chúng ít được tái sử dụng. Việc sử dụng chúng vài lần rồi bỏ đi có thể gây thêm tác động tiêu cực với môi trường.
Trong một nghiên cứu đánh giá vòng đời sản phẩm của các loại túi tạp hóa được sử dụng hàng ngày tại Mỹ, do Đại học Clemson xuất bản, các tác giả đã so sánh nhiều loại túi khác nhau, bao gồm túi vải không dệt và túi nhựa sử dụng một lần khi mua sắm. Túi vải, nếu được sử dụng nhiều lần, rõ ràng có ít tác động đến môi trường so với túi nhựa dùng một lần. Nhưng khảo sát trong nghiên cứu chỉ ra, túi vải phần lớn không được tái sử dụng đủ số lần cần thiết. Vậy bao nhiêu lần là đủ? Các con số sau có thể khiến bạn nản lòng: hơn 300 lần đối với túi vải cotton. Nghiên cứu khác của Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch năm 2018 thậm chí nhận định: một chiếc túi vải cần được dùng đi dùng lại cỡ 20.000 lần - tương đương tuổi thọ hơn 50 năm - mới đủ bù đắp cho quá trình sản xuất, để khiến nó trở nên thân thiện với môi trường.
Túi vải tái sử dụng cũng có chỉ số làm nóng lên toàn cầu cao hơn 10 lần so với túi nhựa. Quá trình hoàn thành bậc học thạc sĩ về kỹ thuật xây dựng và môi trường, môn học về Đánh giá vòng đời sản phẩm (Life Cycle Assessment) giúp tôi hiểu vì sao. Một sản phẩm có thể có vẻ "xanh" và "thân thiện với môi trường" khi sử dụng, nhưng khi xem xét toàn bộ quá trình từ thu thập nguyên liệu đến thải loại, nó có thể không hoàn toàn "xanh" hay "bền vững".
Thực tế đó đặt ra yêu cầu nhìn nhận lại toàn bộ vòng đời sản phẩm từ khi chúng được tạo ra đến khi bị loại bỏ. Thứ nhất, quá trình sản xuất sợi bông, một nguyên liệu chính của túi vải, đòi hỏi rất nhiều tài nguyên, nhân lực và năng lượng. Cây bông là loại cây đòi hỏi lượng nước lớn. Để sản xuất đủ sợi bông cho một chiếc áo thun, cần đến 900 ngày sử dụng nước uống của một người trưởng thành. Ngoài ra, năng lượng tiêu tốn trong quá trình vận chuyển, nhuộm, công may vá... cũng đóng góp vào tác động của túi vải đối với môi trường. Túi vải thường có các chữ và họa tiết in trên mặt, và các loại mực bằng nhựa PVC khó phân hủy, khiến chúng trở nên khó tái chế một cách hiệu quả.
Điều tương tự cũng xảy ra với túi giấy. Túi giấy có một số ưu điểm về môi trường so với túi nhựa, như khả năng tái chế dễ dàng và khả năng phân hủy sinh học, nhưng việc sản xuất một túi giấy tốn khoảng bốn lần năng lượng so với việc sản xuất một túi nhựa. Hóa chất cần sử dụng trong quá trình sản xuất giấy cũng gây hại thêm cho môi trường.
Nghiên cứu của National Geographic chỉ ra, để làm giảm tác động môi trường so với túi nhựa, một túi giấy cần được sử dụng từ 3 đến 43 lần. Tuy nhiên, túi giấy rất dễ rách và thấm nước, khả năng cao là người dùng khó có thể sử dụng đủ số lần như kỳ vọng.
Theo tôi, người tiêu dùng cần được cung cấp thông tin chính xác, bao gồm khả năng tái sử dụng của túi, hướng dẫn bảo quản và vệ sinh, cũng như hướng dẫn thải bỏ và tái chế đúng cách, dựa trên bằng chứng khoa học cụ thể. Quan trọng nhất, cần sử dụng chúng đủ số lần để thực sự giảm tác hại đối với môi trường so với túi nhựa sử dụng một lần.
Thay đổi văn hóa tiêu dùng, tập trung vào cách chúng ta sử dụng, tái chế và thu gom rác thải, mới là hướng đi đúng để giải quyết vấn đề rác thải và bảo vệ môi trường; thay vì chỉ đơn giản thay thế sang các loại vật liệu được xem là "hữu cơ" và "bền vững" hơn. Người dùng cũng nên lưu ý đến những gì đang mua sắm và sử dụng - chỉ mua những gì cần thiết để hạn chế rác thải, và tái sử dụng túi hay bao bì càng nhiều lần càng tốt. Ví dụ, thay vì yêu cầu mỗi ly trà sữa phải được bỏ vào từng túi nhựa riêng biệt, có thể yêu cầu người bán bỏ các ly vào chung một túi lớn. Hoặc khi đi siêu thị, khách hàng có thể từ chối túi nilon nếu hàng hóa nhỏ gọn có thể xách được bằng tay; hoặc cho chung vào các túi lớn mang theo sẵn.
Một giải pháp toàn diện với phương pháp thực hiện khoa học, mới thực sự mang lại kết quả tích cực cho môi trường, hơn là một phong trào tiêu dùng theo trend, dẫn đến khủng hoảng thừa.
Trình Phương Quân