Cách ra bài tập về nhà và cách chữa bài của 1 cô giáo tiểu học ở Nhật đã làm nhiều người giật mình suy nghĩ lại về ý nghĩa đích thực của giáo dục.
Gia đình tôi đang sống ở thành phố Kanazawa, Nhật Bản. Một ngày nghỉ đẹp trời, tôi đưa con vào hiệu sách chơi. Tình cờ tôi đọc được một câu chuyện có thật về một giáo viên tiểu học. Câu chuyện này được ghi lại trong “Lời nói đầu” của một cuốn sách viết về hạnh phúc đang trở thành “best-seller” của nước Nhật.
Câu chuyện như sau:
Một ông bố ở thành phố nọ có cô con gái đang học tiểu học. Mỗi khi con gái đi học về ông thường có thói quen hỏi chuyện học hành ở trường. Một ngày nọ khi cô bé đi học về ông hỏi: “Nay có bài tập về nhà không con?”.
Cô bé đáp: “
Có ạ. Bài tập là hãy để một ai đó trong gia đình ôm”.
Ông bố mỉm cười và cúi xuống ôm con thật chặt. Đến tối cả mẹ rồi chị, em trai khi nghe kể cũng ôm cô bé.
Ngày hôm sau khi cô bé học về, ông bố lại hỏi:
“Nay có bài tập về nhà không con?”. Cô bé đáp: “Nay cô giáo chỉ chữa bài tập về nhà thôi” rồi kể cho bố nghe câu chuyện ở lớp.
Ở đó khi cô giáo hỏi cả lớp xem đã làm bài tập về nhà chưa thì có vài bạn đứng lên ngượng ngùng cúi mặt nói:
“Con không được ai ôm”. Thế là cô giáo cúi xuống ôm từng bạn một.
Bài tập về nhà của cô giáo nói trên thật đặc biệt tuy không phải là không ai có thể nghĩ ra. Thế nhưng cái cách chữa bài tập của cô mới thật đáng kinh ngạc.
Cô đã làm nhiều người giật mình suy nghĩ lại về ý nghĩa đích thực của giáo dục. Làm cha mẹ có lẽ ai cũng mong muốn con mình được sống và học hành trong thế giới tràn ngập tình yêu thương và sự cảm động.
Là một phụ huynh, tôi cũng muốn con mình được học những giáo viên như thế.
Hiện tại khi nhìn vào nền giáo dục ở bất cứ nước nào, người ta đều thấy ở đó những chuyển động của “cải cách giáo dục”. Cũng có thể nói không sợ sai rằng thời đại hiện nay là “thời đại của cải cách giáo dục”. Trong cuộc chạy đua cải cách giáo dục đó, trường học và giáo viên chịu áp lực lớn từ xã hội.
Sự kỳ vọng vào “điểm số”, tỷ lệ đỗ đạt cao trong các kỳ thi cùng chính sách “cải cách giáo dục từ trên xuống” mang đậm màu sắc mệnh lệnh đã khiến cho trường học và giáo viên mệt mỏi trong vòng quay tối mặt của bài tập và thi cử.
Trong cuộc chạy đua bất tận ấy, trường học dần dần không còn trở thành nơi “vui vẻ”. Ở đó cả giáo viên và học sinh trong vô thức dần quên đi mất ý nghĩa ban đầu của giáo dục.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy các hiện tượng bạo lực học đường, tự sát, bắt nạt trường học đã nảy sinh và đang ngày một trầm trọng trong bối cảnh đó. Học sinh tới trường không còn ở trong tâm trạng háo hức nữa thay vào đó là lo lắng.
Giống như nhiều nước khác, giáo dục nước Nhật sau 70 năm đại cải cách cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề như thế. Nhưng ở đó nhờ vào sự năng động và dân chủ của cơ chế hành chính giáo dục phân quyền, vẫn có những người giáo viên thầm lặng như kể trên, bằng các “thực tiễn giáo dục” của mình làm cho trường học lấy lại ý nghĩa ban đầu.
Tác Giả:Thể thao