Thưa quý vị và các bạn,ọcnghềtạichỗHọckinhnghiệmthếgiớiđểđinhanhnhấkết quả cúp ý có thể nói Việt Nam đang ở vào một giai đoạn quan trọng của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Mặt khác, chúng ta lại đang đứng trước sự vận động, phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá.
Những xu thế này vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Trong đó tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ. Nhưng muốn đổi mới, sáng tạo thì phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.
Thực tế này đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần những đổi mới mạnh mẽ, để không chỉ đảm đương được nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.
“Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại hoá, tiếp cận nền giáo dục nghề nghiệp tiên tiến trong khu vực và trên thế giới” đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Do vậy, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo từ các quốc gia tiên tiến về giáo dục nghề nghiệp là bước đi tất yếu để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam có thể vững vàng tồn tại cũng như hội nhập thành công.
Đây cũng là lý do Báo VietNamNet phối hợp với Tổng cục dạy nghề, Bộ LĐ-TBXH tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Cơ hội du học tại chỗ từ giáo dục nghề nghiệp” với sự tham gia của các khách mời:
- Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
- PGS.TS. Bùi Thế Dũng, Chuyên gia tư vấn về Giáo dục nghề nghiệp
- Ông Nguyễn Khánh Cường, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA2
Cú hích lớn
Nhà báo Phạm Huyền: Đầu tiên xin được hỏi ông Giang, thưa ông, Luật Giáo dục nghề nghiệp của chúng ta có quy định một số hình thức hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp. Vậy xét từ thực tiễn Việt Nam, mô hình đào tạo chất lượng cao hay người dân thường gọi là “Du học nghề tại chỗ” có vai trò và tác động ra sao so với các hình thức hợp tác quốc tế khác?
Ông Đỗ Văn Giang: Trước kia hình thức hợp tác đào tạo trong lĩnh vực dạy nghề chỉ là giáo viên được cử đi lao động học tập, thực tập sinh ở nước ngoài, chứ học sinh thì chỉ được đi sau khi đã tốt nghiệp và có cơ hội.
Luật giáo dục nghề nghiệp ra đời đã mở ra hướng mới với quy định tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế đối với việc thực hiện các chương trình đào tạo cho các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên giai đoạn đầu, điều này vẫn bị ràng buộc bởi các những quy định khác, nên thực hiện việc liên kết giữa trường A của Việt Nam với trường B của nước ngoài rất khó khăn.
Sau khi các quan điểm được khẳng định trong Luật, Bộ LĐ-TBXH đã trình Thủ tướng ký một nghị định, bắt đầu từ Nghị định 143 sau được sửa thành Nghị định 140, sau đó là Nghị định số 15, trong đó có quy định rất rõ ràng về hình thức đào tạo liên kết với nước ngoài gồm: Liên kết thực hiện chương trình đào tạo toàn phần tại Việt Nam và Liên kết thực hiện chương trình đào tạo một phần tại Việt Nam và một phần tại nước ngoài.
Trong đó liên kết đào tạo toàn phần Việt Nam quy định rõ 4 hình thức: 1) Theo chương trình do hai bên xây dựng và cấp bằng, chứng chỉ của Việt Nam; 2) Theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài được tổ chức giáo dục, đào tạo quốc tế công nhận và cấp bằng, chứng chỉ của Việt Nam; 3) Theo chương trình của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên xây dựng được tổ chức giáo dục, đào tạo quốc tế công nhận và cấp bằng, chứng chỉ của nước ngoài; 4) Theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài được tổ chức giáo dục, đào tạo quốc tế công nhận và cấp bằng, chứng chỉ của nước ngoài và của Việt Nam.
Việc Nghị định 15 cụ thể hóa các quy định trong Luật đã tạo ra cơ hội lớn cho quá trình mở rộng liên kết đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp đặc biệt là cao đẳng.
Với hình thức liên kết này, chúng ta đã thực hiện việc chuyển giao 34 bộ chương trình của Úc (12 bộ) và Đức (22 bộ).
Thí điểm đào tạo 12 bộ chương trình từ Úc đã kết thúc, chúng tôi tổ chức hội nghị tổng kết vào tháng 1/2020 vừa rồi. Kết quả là có 825 sinh viên đã đạt được tiêu chuẩn của Úc, được cấp 2 bằng của Việt Nam và của Úc. Trình độ ngoại ngữ của các em đầu vào là B1 đầu ra là B2 và đến thời điểm này theo thống kê của chúng tôi, trong số 825 sinh viên đó có 171 em đăng ký để tiếp tục liên thông lên đại học của các nước như Úc, Đức, Mỹ, Phần Lan… vì các em có đủ điều kiện đi học ở các nước đó hoặc ở các trường đại học của Việt Nam. Đặc biệt 100% các em ra trường có việc làm và có những em ở Trường Cao đẳng nghề du lịch Vũng Tàu tốt nghiệp được doanh nghiệp nhận luôn, lương khoảng 30-40 triệu.
Hiện tại chúng tôi đang mở rộng mô hình này, tức là toàn bộ hệ thống có thể đào tạo theo bộ chương trình đó, tất nhiên còn có nhiều điều kiện khác.
Còn với những nghề của Đức chúng tôi đã đào tạo thí điểm bắt đầu từ 2019 và cũng gần hết năm thứ nhất theo các tiêu chuẩn của Đức.
Năm 2018, Bộ LĐ-TBXH đã ra Thông tư 21 quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ Trung cấp, trình độ Cao đẳng, như thế ngoài chương trình chuyển giao đó thì các trường có thể tự xây dựng dựa vào các chương trình của nước ngoài, các chuẩn đầu ra của quy định. Tức là các chương trình tiên tiến để các trường tự update và biến thành chuẩn đầu ra của trường mình mà vẫn đảm bảo khung trình độ quốc gia để đào tạo ở trường mình. Đến hiện tại chúng tôi đã nhận được rất nhiều hồ sơ các trường đăng ký.
Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp |
Những ví dụ thực tiễn đó đã chứng tỏ tác động rất nhanh, hiệu quả. Bởi các nước phát triển giáo dục nghề nghiệp ở trên thế giới và trong khu vực đã cho chúng ta được những bài học kinh nghiệm, “con đường tắt” để đi nhanh nhất.
Nếu chúng ta đủ điều kiện về chương trình, về đội ngũ, cơ sở vật chất thiết bị, đặc biệt là gắn với các doanh nghiệp trong quá trình tổ chức đào tạo theo mô hình thí điểm mà tôi vừa nói và chương trình chất lượng cao đại trà được quy định rất cụ thể trong thông tư, thì tôi cho rằng đó sẽ là một cú hích lớn để có thể đạt được nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và các doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy thưa PGS.TS Bùi Thế Dũng, ông đánh giá thế nào về vai trò của hình thức liên kết đào tạo chất lượng cao trong việc hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục nghề nghiệp tiên tiến trong khu vực và trên thế giới?
PGS.TS. Bùi Thế Dũng: Tôi nghĩ rằng việc có chương trình đào tạo liên kết nước ngoài không phải ở thời điểm cách đây 5-7 năm mà đến tận gần đây chúng ta mới làm được. Thực ra đây là quá trình phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực để trở thành đối tác với nước ngoài, để chúng ta có thể liên kết, hợp tác với họ một cách bình đẳng với tư cách là hai đơn vị.
Suốt gần 2 năm vừa qua có rất nhiều chương trình hợp tác quốc tế rồi những hỗ trợ của những tổ chức quốc tế giúp đỡ cho phát triển giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam. Nhưng chủ yếu nó là một chiều. Đó là giúp đỡ Việt Nam xây dựng đội ngũ giáo viên, xây dựng đội ngũ nhà quản lý, tăng cường năng lực thiết bị cho các trường, giúp đỡ để đổi mới, xây dựng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của nguồn nhân lực.
Đến bây giờ năng lực đào tạo của các trường trong hệ thống của chúng ta đã phát triển ở mức có thể hợp tác trực tiếp với nước ngoài. Đây là trở thành hợp tác song phương giữa hai cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhau và để chúng ta tiếp cận được những cái chuẩn hóa, chuẩn mực của đào tạo các nước. Đặc biệt các nước Tổng cục giáo dục nghề nghiệp lựa chọn liên kết là những nước có nền giáo dục nghề nghiệp phát triển nhất
Nói đến giáo dục nghề nghiệp phát triển trước hết phải nói thẳng đó là những nước công nghiệp phát triển, như nhóm G7. Các nước công nghiệp phát triển luôn nói rằng họ phát triển được chính là vì có đội ngũ người lao động trực tiếp, tức là công nhân.
PGS.TS. Bùi Thế Dũng, Chuyên gia tư vấn về Giáo dục nghề nghiệp |
Thứ hai, tôi muốn nói về mặt chuyên môn kĩ thuật, chúng ta không thể cùng một lúc xây dựng một mặt bằng cao cho tất cả hệ thống mà phải lựa chọn những điểm tác động. Đó là những trường trọng điểm, những trường điểm làm nòng cốt và trong các trường đó chúng ta cũng không thể chọn tất cả các nghề được, mà cũng chọn một số nghề trường đó có thế mạnh và đất nước đang cần để ưu tiên. Như cách tiếp cận của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp là lựa chọn một số trường có năng lực, một số trường, một số nghề mà trọng điểm nền kinh tế của chúng ta trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa đang cần để chúng ta lựa chọn.
Như vậy khi chúng ta hợp tác với nước ngoài, cái quan trọng đầu tiên là chuẩn hóa đào tạo, chuẩn hóa về giáo viên, chuẩn hóa về thiết bị, về cơ sở vật chất và chương trình. Là một nước đi sau, khi hợp tác chúng ta vừa tiếp thu được những điều đó, áp dụng ngay vào điều kiện Việt Nam với sự tư vấn, hỗ trợ, hợp tác của các đối tác nước ngoài. Tôi cho rằng đó là một cách tiếp cận khôn ngoan và như ông Giang vừa nói nếu như ở địa điểm đó, ở trường điểm đó, nghề đó thành công thì việc nhân rộng hệ thống sẽ mang lại hiệu quả còn lớn hơn nữa.
Vấn đề then chốt: Sự tham gia của doanh nghiệp
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Nguyễn Khánh Cường, là hiệu trưởng một trường đã áp dụng mô hình đào tạo chất lượng cao, ông đánh giá thế nào về ưu thế của nó so với các mô hình chẳng hạn như đi du học trực tiếp?
Ông Nguyễn Khánh Cường: Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA2 là trường được chính phủ Đức, chính phủ Việt Nam lựa chọn đầu tư để trở thành một trung tâm đào tạo nghề xuất sắc, gần như đầu tiên tại Việt Nam. Hiện trường chúng tôi đang triển khai 3 mô hình đào tạo mà có thể gọi là đào tạo “du học nghề tại chỗ”.
Hình thức thứ nhất đấy là triển khai chương trình đào tạo theo mô hình kép, 100% của Đức, chương trình 100% của Đức kết hợp với doanh nghiệp, kết hợp với phòng Công nghiệp và Thương mại Đức AHK để đào tạo theo đúng 100% mô hình đào tạo kép. Và học sinh khi tốt nghiệp lấy được bằng của Lilama 2, lấy được bằng của AHK và cũng như lấy một chứng chỉ làm việc của tổ chức đấy. Ví dụ như chúng tôi đang làm với Tập đoàn Bosch và với Mercedes Ben Việt Nam.
Hình thức thứ hai là chương trình chuyển giao như ông Giang đã đề cập đến 22 chương trình của Đức hiện chúng tôi đang làm và đang trong quá trình triển khai đào tạo, năm nay là bước vào học kỳ thứ hai.
Hình thức thứ ba với sự hỗ trợ của GIZ, trong đó chúng tôi lấy chương trình quy định của Đức về Việt Nam đào tạo, điều chỉnh lại theo môi trường, điều kiện môi trường của Việt Nam để triển khai đào tạo. Và mô hình này hiện nay cũng đã có kết quả với 76 sinh viên tốt nghiệp năm vừa rồi. Hiện chúng tôi đang tổ chức thi tiếp đợt thứ hai.
Với các chương trình LILAMA2 đang triển khai đó, có thể nói ưu thế lớn nhất là các em được học tiêu chuẩn của nước ngoài với các điều kiện giáo viên cơ sở vật chất, mô hình đào tạo ngay trên chính đất nước mình. Và bằng cấp của các em ra nước ngoài được nước ngoài chấp nhận để tham gia thị trường lao động.
Ông Nguyễn Khánh Cường, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA2 |
Nhà báo Phạm Huyền: Câu hỏi tiếp theo, thưa ông Bùi Thế Dũng, hình thức liên kết đào tạo với nước ngoài trong giáo dục nghề nghiệp “manh nha” tại Việt Nam từ khi nào và xin ông đánh giá sơ bộ về kết quả đã đạt được, có khả quan như những mục tiêu ban đầu đề ra không?
PGS.TS. Bùi Thế Dũng: Có thể nói ý tưởng hợp tác liên kết đào tạo với nước ngoài thì đã có từ rất lâu, và giáo dục nghề nghiệp sau so với giáo dục đại học là có lý do khách quan, do đặc thù, đặc điểm của giáo dục nghề nghiệp, đó là nó gắn chặt với thị trường lao động. Bản thân thị trường lao động ở các nước nó quy định nhu cầu đào tạo và các quy định chuẩn mực của đào tạo. Nếu như chúng ta đào tạo trong nước theo chuẩn mực đó khi nó vênh rất nhiều thì thị trường lao động sẽ không cần tới.
Thứ hai, mô hình đào tạo của tất cả các nước công nghiệp phát triển trong giáo dục nghề nghiệp rất khác so với chúng ta. Không chỉ chúng ta mà các nước châu Á nói chung đều là đào tạo tại trường trong khi tất cả các nước phát triển lại dựa vào hình thức đào tạo kết hợp với doanh nghiệp. Như vậy hai cái gốc đã rất vênh nhau, cho nên tiệm cận nhau ở thời điểm trước đây là rất khó.
Bối cảnh hiện nay công nghệ phát triển tạo ra một sự hội tụ rất cao trong công nghệ, với thế giới phẳng, với công nghiệp 4.0 thì có nhiều đặt hàng ở Việt Nam hay ở các nước tiên tiến là giống nhau. Đó chính là một cú hích, là động lực để thấy rằng rõ ràng cũng nghề này, điều kiện thị trường lao động ở trong các doanh nghiệp Việt Nam cũng đòi hỏi chuẩn mực về mặt kĩ năng về mặt năng lực giống như là nghề đó ở bên nước ngoài. Tôi lấy ví dụ nghề cơ điện tử chỗ trường LILAMA2 của ông Cường dạy thế thì các em ở đấy làm ở doanh nghiệp Việt Nam về cơ điện tử cũng không khác gì làm cơ điện tử ở Đức cả.
Đó là một điều kiện khách quan để giáo dục nghề nghiệp có thể nắm bắt, tận dụng những thành tựu của các nước khác. Tôi cũng có dịp đi nhiều nước và thấy rằng điều kiện và môi trường để triển khai những hình thức đào tạo đó ở Việt Nam không khác biệt so với các nước tiên tiến về trang thiết bị, nhà xưởng.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, có một điều rất hay chúng ta học được khi tiếp cận và thực hiện hình thức liên kết này chính là tăng cường hợp tác với doanh nghiệp. Đây là vấn đề then chốt đối với chất lượng đào tạo, không hợp tác sâu với doanh nghiệp thì chắc chắn không thể nói rằng chất lượng đào tạo nghề nghiệp cao được. Liên kết với nước ngoài tạo ra cho chúng ta một áp lực, bởi trong chương trình thiết kế của họ có một yêu cầu, một điều kiện tiên quyết là gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp.
Lựa chọn trọng tâm, trọng điểm
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Giang, ông có thể chia sẻ thông tin sơ bộ về các đối tác mà chúng ta đang liên kết? Hiện chúng ta đang hợp tác nhiều nhất với nước nào, và trong quá trình triển khai cơ sở để xác định các nghề trọng điểm là gì?
Ông Đỗ Văn Giang: Trước khi trả lời trực tiếp câu hỏi, tôi xin nhắc lại điều mà chính chuyên gia Úc nói khi chúng tôi thực hiện chuyển giao và tổ chức đào tạo thí điểm 12 nghề của Úc. Đó là họ khẳng định việc đào tạo sinh viên Việt Nam theo tiêu chuẩn Úc theo chương trình Úc chuyển giao này là du học tại chỗ.
Người ta coi sinh viên đang học chương trình chuyển giao này tại Việt Nam (đã được tổ chức của Úc sang để kiểm định ít nhất 2 - 3 lần, đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất thiết bị, giáo viên được đưa sang Úc đào tạo bồi dưỡng gần nửa năm, sau đó thi đạt thì về mới dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh…), cũng như sinh viên Úc đang học tại Việt Nam hoặc sinh viên Việt Nam đang học tại Úc. Có thể nói sự công nhận ấy có tính chất lan tỏa, cổ súy cho các em thấy chất lượng tuyệt vời các em có được khi đủ điều kiện theo học chương trình này.
Những chương trình chúng ta đang làm với Úc, với Đức như tôi đã đề cập là các liên kết chính thống. Còn các hình thức liên kết như ông Dũng nói thì trước đây chúng ta đã làm rất nhiều với Nhật, Hàn Quốc, Thụy Điển, Đan Mạch… Chẳng hạn trường LILAMA2 đã được tham gia rất nhiều dự án hưởng thụ từ nguồn vốn ODA, như dự án Hàn Quốc với một số nghề được chuyển giao theo kiểu chương trình đạt chuẩn của Hàn Quốc. Và không chỉ các nước G7 như ông Dũng đề cập, thực tế bây giờ chúng ta cũng có thể liên kết với Singapore, Úc... Bởi hiện các điều kiện là mở và tôi cho rằng đấy là một cơ hội.
Các quốc gia đó chương trình của họ đạt chuẩn quốc tế, được quốc tế công nhận, tổ chức kiểm định công nhận.
Thứ hai, về danh mục những ngành nghề để đầu tư trọng điểm thì khi tiến hành hợp tác, thực hiện chuyển giao thì đều phải hai bên ngồi với nhau để đi đến đồng thuận nhất, tương đồng cao nhất về mặt chương trình khi chuyển giao theo tiêu chuẩn 100% các bạn về Việt Nam để Việt hóa đi.
Còn tại Việt Nam thì bản thân các trường chất lượng cao, các nghề chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm theo tiêu chuẩn quốc tế, khu vực Asean cũng đã được quy định và gần đây nhất được quy định bằng quyết định số 1769 (tháng 11/2019) có 68 nghề quốc tế, Asean 101 nghề và nghề quốc gia là 144 nghề. Sự chuẩn hóa đó là sự hòa nhập, là sự đạt chuẩn không những trong nước mà cả khu vực, quốc tế nữa.
Tất cả những ngành nghề này là đều phải lựa chọn thông qua các tiêu chí khi đưa ra để gửi tới các sở bộ ngành địa phương và các trường. Ví dụ tiêu chí được đào tạo liên tục trong bao nhiêu năm, tuyển sinh bao nhiêu năm, đội ngũ giáo viên như thế nào, chương trình là phải đạt chuẩn cao hơn so với chương trình đào tạo đại trà bình thường mà không thuộc quy định, v.v… Chẳng hạn giáo viên thì ngoại ngữ cũng phải đạt trình độ ít nhất là B1 không thì phải B2, còn học sinh đầu vào cũng phải đạt tiêu chuẩn cao hơn so với những ngành nghề mà không gọi là chất lượng cao.
Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Khánh Cường, nhà báo Phạm Huyền, ông Đỗ Văn Giang, ông Bùi Thế Dũng |
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa thầy Cường, vậy thì thực tế tại trường LIlAMA2 thì các ngành trọng điểm được lựa chọn ra sao?
Ông Nguyễn Khánh Cường: Việc lựa chọn nghề trọng điểm của LILAMA2 là một quá trình phát triển phục vụ cho công nghiệp và từ đấy hình thành ra được những thế mạnh của trường. Những thế mạnh đó được sự hỗ trợ của Chính phủ, của nguồn vốn ODA… để xây dựng trở thành những nghề trọng điểm. Hiện nay LILAMA2 có 7 nghề đạt cấp độ quốc tế, 4 nghề của Đức, 3 nghề của Pháp và chúng tôi đang triển khai thêm 3 nghề chuyển giao nữa. Như vậy chúng tôi hiện có khoảng 10 nghề là nghề trọng điểm quốc gia chuyển giao từ nước ngoài.
Và phải nói rằng thành công của các nghề trọng điểm này, như ông Dũng vừa nói, mấu chốt vẫn phải là sự tham gia của doanh nghiệp. Như mô hình điều chỉnh từ mô hình đào tạo kép của Đức mà chúng tôi đang triển khai, doanh nghiệp có thể tham gia vào ngay từ những khâu đào tạo, đánh giá, sát hạch sinh viên…
Nhà báo Phạm Huyền: Xin thầy có thể nói rõ hơn một chút là 10 nghề trọng điểm đó cụ thể là những ngành nghề nào và sự tham gia của doanh nghiệp ra sao?
Ông Nguyễn Khánh Cường: 10 ngành nghề trọng điểm của chúng tôi hiện nay là nghề cắt gọt kim loại CNC, nghề cơ điện tử, nghề chế tạo thiết bị cơ khí, nghề hàn, nghề điện tử công nghiệp, nghề truyền thông, viễn thông, rồi nghề lắp đặt thiết bị cơ khí, nghề chế tạo thiết bị cơ khí, nghề cơ khí xây dựng. Đây đều là những nghề nằm trong lĩnh vực kĩ thuật, lĩnh vực điện và những nghề hướng đến tương lai, như nghề cơ điện tử là nghề đảm bảo được lực lượng lao động trong nước cũng như chuẩn bị cho một lực lượng lao động cho cuộc cách mạng 4.0 sắp tới.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa PGS.TS Bùi Thế Dũng, ông có đánh giá gì về các mô hình được coi là rất là thành công trong triển khai đào tạo chất lượng cao?
PGS.TS. Bùi Thế Dũng: Có thể nói giáo dục nghề nghiệp tại tất cả các nước trên thế giới nằm trong 3 mô hình đào tạo.
Mô hình thứ nhất là đào tạo tại doanh nghiệp thường là đào tạo tại chỗ, ngắn hạn cho những người lao động vào không cần yêu cầu đạt được bằng chính quy. Ở mô hình này vào dễ, ra dễ, vì anh vào trong doanh nghiệp làm là coi như có chỗ làm rồi.
Mô hình thứ hai là đào tạo tại trường, gần như là chiếm 80-90% của các nước trên thế giới. Điều này có lý do. Đào tạo tại trường là một mô hình rất dễ thực hiện. Bởi vì các em đang ngồi ghế nhà trường phổ thông chỉ bước sang một ngôi trường khác, tên khác thôi. Chính vì dễ thực hiện, tức là dễ đầu vào thì lại khó đầu ra. Đầu ra của các em là thị trường lao động, thế thì suốt ngày ở trong trường, không có kinh nghiệm, không biết gì về doanh nghiệp nên sẽ rất khó.
Còn mô hình thứ ba người ta mới nghĩ cách thế thì bây giờ phải tìm làm sao kết hợp vào dễ ra cũng dễ, không quá dễ như mô hình đầu nhưng mà « hơi dễ ». Đó là kết hợp mô hình nhà trường và doanh nghiệp, và nó không đảo lộn mô hình mà nước ta đang có. Nếu như trước đây nhà trường dạy 100%, nay hãy rút vai trò, vị trí của mình xuống chỉ còn 2/3 thôi, còn hãy để 1/3 cho doanh nghiệp làm.
Như vậy các em học sinh khi tốt nghiệp không chỉ có kiến thức, kỹ năng, có khả năng chịu trách nhiệm… mà còn có một điều rất quan trọng là kinh nghiệm nghề. Và như vậy khi tốt nghiệp, vào làm doanh nghiệp các em không khiến doanh nghiệp tốn công sức « đào tạo lại » nữa.
Ông Nguyễn Khánh Cường: Mô hình kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp như ông Dũng vừa nói thì hiện ở LILAMA2 đang triển khai mô hình đào tạo phối hợp. Tức là phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường, doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình xây dựng, điều chỉnh chương trình làm sao phù hợp với doanh nghiệp. Doanh nghiệp hướng dẫn cho sinh viên khi sinh viên về dưới công ty để làm việc và mức độ chương trình biến động chứ không cứng nhắc. Có thể doanh nghiệp này đáp ứng được nhiều module cho học sinh thì họ làm việc với nhà trường để sinh viên được đến đó làm việc nhiều hơn, học tập nhiều hơn.
Những nghề trọng điểm đào tạo theo hình thức du học tại chỗ của trường chúng tôi đều đang triển khai theo mô hình này và đang rất là thành công.
Ông Đỗ Văn Giang: Tôi xin chia sẻ thêm về khía cạnh quản lý nhà nước. Trong Nghị quyết 617 của Ban cán sự Đảng Bộ LĐ-TBXH, năm 2018 đã đưa ra một ý là đẩy mạnh kết hợp giữa 3 nhà: nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp. Đây là điều chúng tôi đang làm rất mạnh trong mấy năm nay, mà trường LILAMA2 là một ví dụ điển hình.
Cũng xin chia sẻ thêm là năm 2019, chúng tôi có tổ chức Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” với chủ đề: Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Và hiện chúng tôi đang trình Thủ tướng ký chỉ thị đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề và trong đó cũng nhấn mạnh việc tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
(Còn tiếp)
VietNamNet thực hiện
Thay vì phải ra nước ngoài để tiếp cận các cơ sở đào tạo nghề nghiệp hiện đại, tiên tiến, các em hoàn toàn có thể thụ hưởng các chương trình đáp ứng chuẩn quốc tế ngay trên chính đất nước mình.