Khi Trương Tiến Anh chuyền về lỏng chân,ếtgợntrongchiếnthắngcủatuyểnViệbáo bóng đá anh để Bounphachan Boukong của Lào băng xuống đối mặt thủ môn Nguyễn Đình Triệu ở cuối hiệp 1, có lẽ nhiều CĐV Việt Nam đã nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ.
Hàng công Việt Nam loay hoay tìm đường vào khung thành Lào, sai lầm phòng ngự lộ ra và đối thủ chuẩn bị ghi bàn mở tỷ số. Nhưng rất may, hàng thủ đã nhanh chóng sửa sai. Khoảnh khắc thoát thua đó đã mở ra tiền đề để thầy trò HLV Kim Sang-sik cứu rỗi chính mình trong hiệp 2.
HLV Kim Sang-sik có ngày ra quân thuận lợi. Ảnh: VFF. |
“Chất lượng những pha xử lý trên phần sân đối thủ” là vấn đề cuối thời HLV Park Hang-seo, từng được Philippe Troussier nhắc đến như một trong những khiếm khuyết phải sửa của đội tuyển Việt Nam.
Cựu HLV Troussier khẳng định các cầu thủ Việt Nam thường vướng mắc ở những tình huống ra quyết định: nên sút hay chuyền, đá ngắn hay đá dài, di chuyển vào khoảng trống nào. Càng đến gần cầu môn đối thủ và bị gây áp lực, xác suất ra quyết định càng lớn. Phẩm chất này thuộc về tư duy cầu thủ, mà người thầy ở cấp độ đội tuyển rất khó dạy được.
Khi loại 4 cầu thủ trẻ để giữ lại nòng cốt đội hình phần lớn sinh từ năm 1995 đến 2000, HLV Kim Sang-sik hiểu rõ: ông đang sở hữu những cầu thủ có tư duy chơi bóng đã vào khuôn cố định, rất khó uốn nắn như các tài năng trẻ. Bởi vậy, việc của ông Kim không phải huấn luyện để thay đổi triết lý chơi, mà tìm ra cách đá phù hợp để giảm thiểu rủi ro và kích hoạt điểm mạnh (dù không nhiều) ở học trò.
Tuy nhiên, cách đá của đội tuyển Việt Nam trong hiệp 1 trước Lào vẫn mang đến cảm giác rằng cuộc khủng hoảng hiện tại của bóng đá nước nhà có thể còn tồi tệ hơn hình dung của người hâm mộ rất nhiều.
Trong 30 năm qua, dù lên đỉnh cao hay xuống vực sâu, Việt Nam luôn lấn át Lào ở cấp độ đội tuyển. Nhưng trong hiệp 1 trận đấu trên sân vận động quốc gia Lào, khoảng cách ấy đã bị rút ngắn xuống tiệm cận.
Đội tuyển Việt Nam vẫn cầm bóng nhiều hơn, song chưa cho thấy có ý đồ triển khai rõ ràng. Bộ đôi tiền vệ với Hoàng Đức và Ngọc Tân chưa tìm được tiếng nói chung, khi thường xuyên để mất bóng và chạy lạc nhịp. Tân cho thấy thế mạnh đánh chặn, nhưng đôi khi chưa hiểu phải di chuyển ra sao để ăn ý với đồng nghiệp. Điều này có thể thông cảm bởi đây mới là lần đầu anh lên tuyển.
Tuyển Việt Nam mất hơn 1 giờ mới giải quyết được bế tắc trước Lào. Ảnh: CLB Nam Định. |
Trong hơn 60% thời lượng cầm bóng trong hiệp 1, tuyển Việt Nam không thể tấn công trực diện trước hàng thủ số đông của Lào. Chúng ta chuyển sang hai giải pháp: hoặc phất bóng cho tiền đạo chạy chỗ, hoặc dồn bóng sang cho hai biên tự xoay xở. Việc tung những nhân sự mới vào sân chỉ cho phép chúng ta chơi những bài hạn chế. Ông Kim cất các ngôi sao để "giấu bài" chuẩn bị cho các trận sau là điều có thể chấp nhận.
Nhưng điều đáng lo là ngay cả với đối thủ như Lào, tuyển Việt Nam vẫn để xảy ra những sai sót cho đối thủ phản công. Nếu đối thủ có nhiều hơn một Bounkong, tận dụng tốt hơn một cơ hội, thì Đình Triệu sẽ phải có thêm lần vào lưới nhặt bóng.
Phút hoang mang trước đối thủ cửa dưới của tuyển Việt Nam khiến chính người xem cũng hoang mang, nhưng cần nhìn nhận, thực tế sức mạnh của thầy trò HLV Kim Sang-sik chỉ có giới hạn trong từng ấy con người.
Tiến Linh tỏa sáng sau khi tuyển Việt Nam tung Quang Hải vào sân. Ảnh: VFF. |
4 bàn thắng trong hiệp 2 giúp đội tuyển Việt Nam tránh vũng lầy ngày ra quân, nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận: bàn thắng chỉ đến, khi đội tuyển Lào đã “cạn pin”. Trình độ thể lực và kỹ chiến thuật hạn chế khiến thầy trò HLV Ha Hyeok-jun chỉ chơi tốt được 1 giờ đồng hồ.
Nhưng hãy nhớ: đến những đội tuyển lâu nay bị đánh giá là yếu như Lào, Campuchia còn tiến bộ, thì đội tuyển Việt Nam không thể mãi dậm chân tại chỗ. Gặp những đối thủ pressing tốt, đeo bám dai dẳng và bền bỉ như Indonesia hay Myanmar, đội tuyển Việt Nam sẽ đá thế nào, là bài toán HLV Kim cùng học trò còn 4 ngày để tìm đáp án.
Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh u tối của đội tuyển Việt Nam là tiền vệ Quang Hải và hậu vệ Văn Vĩ. Quang Hải mang đến cho HLV Kim Sang-sik thứ mà các tiền vệ khác không làm được trong cả hiệp 1, là những đường chuyền ngắn ẩn chứa ý đồ chiến thuật rõ ràng, với định hướng rõ ràng, chứ không phải phất “bậy”.
Những pha xử lý của Hải không đơn thuần mang đẳng cấp mà còn thể hiện trách nhiệm. Một mình Hải tham gia vào 3 tình huống ghi bàn: cướp bóng trong chân đối thủ và kiến tạo cho Tiến Linh, chọc khe cho Văn Toàn lập công và cú đá phạt góc xoáy mở ra pha đá bồi của Văn Vĩ.
Còn với Văn Vĩ, là làn gió mới mẻ ở cánh trái. Hậu vệ của CLB Nam Định không chỉ ghi bàn, mà còn mang đến nét chấm phá với những tình huống cầm bóng ngoặt vào trong để phối hợp, tăng quân số trung lộ cho đội tuyển. Khi ở cánh phải, Tiến Anh là một chân tạt, thì Văn Vĩ phải trở thành chân rê, giúp tập thể của HLV Kim Sang-sik có thêm lựa chọn.
Ít nhất trong bức tranh loang lổ về lối chơi, trên mặt cỏ lồi lõm rất khó để đá bóng ngắn liền mạch của sân vận động quốc gia Lào, vẫn có thứ để đọng lại.
Ở lượt đấu tiếp theo, với đội quân trẻ trung và không biết sợ của Indonesia, đội tuyển Việt Nam cần sự điềm tĩnh và chín chắn trong cách tiếp cận. Chưa cần nói đến mảng miếng chiến thuật, hãy cầm quả bóng thật chắc chắn, rồi xử lý cho thật trách nhiệm đã.