Tỷ phú Elon Musk phát biểu tại một sự kiện ở Washington,ôngbốbáocáokinhdoanhtrướckhibádu doan bd net DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 28/4, nền tảng mạng xã hội Twitter công bốbáo cáo kinh doanh thấp hơn dự kiến trong quý 1/2022, song số người sử dụng đang hoạt động lại gia tăng.
Báo cáo này được đưa ra ba ngày sau khi Twitter nhất trí lời đề nghị mua lại của tỷ phú Elon Musk.
Cụ thể, lợi nhuận của Twitter trong quý 1/2022 đạt 513,3 triệu USD, gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh thu của quý 1 vừa qua cũng tăng 16%, lên mức 1,2 tỷ USD, song vẫn thấp hơn so với mức dự đoán 1,22 tỷ USD.
Đáng ngạc nhiên, số lượng người sử dụng đang hoạt động tăng lên mức 229 triệu người, cao hơn so với mức dự đoán của giới chuyên gia.
Báo cáo trên dự kiến sẽ là một trong số báo cáo doanh thu cuối cùng của Twitter trước thỏa thuận bán lại cho tỷ phú Elon Musk, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2022.
Sau thỏa thuận này, Twitter đã hủy cuộc họp báo cáo thu nhập hằng quý với các nhà phân tích.
Ngày 25/4 vừa qua, Giám đốc điều hành hãng xe Tesla Elon Musk đã tuyên bố "thâu tóm" Twitter với giá 44 tỷ USD, tương đương mức 54,2 USD/cổ phiếu.
Ban đầu, hãng công nghệ này từ chối ý định mua lại của ông Musk, song bất ngờ đổi ý sau khi các cổ đông chấp thuận đề nghị mua lại của tỷ phú Musk.
Giới quan sát nhận định rằng việc tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter và đề cập các kế hoạch hướng đến cách tiếp cận lỏng lẻo hơn trong khâu kiểm chứng nội dung có thể sẽ dẫn đến những xung đột với các luật mới mà Liên minh châu Âu (EU) thông qua để bảo vệ người dùng trước các nguy cơ tin tức sai sự thực, phát ngôn thù hận hoặc các nội dung gây hại.
Bộ trưởng Kỹ thuật số Pháp Cedric O cho rằng tỷ phú Musk sẽ có nhiều ý tưởng thú vị cho Twitter nhưng cần ghi nhớ Đạo luật kỹ thuật số, mà EU mới thông qua và sẽ có hiệu lực từ năm 2024, để đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ sàng lọc thông tin sai sự thực và kích động thù hận mà mọi nền tảng kỹ thuật số đều phải thực hiện bất kể chủ sở hữu là ai.
Văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh Twitter cần duy trì trách nhiệm và bảo vệ người dùng, kể cả khi thay đổi chủ sở hữu.
Theo đạo luật mới của EU, các công ty công nghệ phải trang bị các hệ thống giúp nhanh chóng phát hiện, gắn dấu cảnh báo hoặc gỡ bỏ những nội dung phạm pháp, yêu cầu các nền tảng công nghệ lớn phải minh bạch hơn bằng cách cho phép các nhà quản lý và nghiên cứu tiếp cận dữ liệu về cách các hệ thống của họ giới thiệu nội dung cho người dùng.
Tương tự, Ấn Độ cũng tái khẳng định quan điểm các nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải và phát ngôn của người dùng trên các nền tảng này sau khi Twitter xác nhận thương vụ với tỷ phú Elon Musk.
Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề Công nghệ và điện tử Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar khẳng định việc một nền tảng thay đổi người sở hữu không ảnh hưởng đến những quy định mà nền tảng đó phải tuân thủ.
Từ năm 2021, Ấn Độ đã ban hành luật yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng tải, tuân thủ luật thông tin và công nghệ của nước này, tuân thủ các yêu cầu về việc dỡ bỏ những thông tin sai phạm mà chính quyền đưa ra và phải minh bạch các cơ chế xử lý khiếu nại của người dùng.
(Theo Vietnam+)