Cần 4 tỷ đồng mua được chung cư mới ở Hà Nội
"Gần như lần đầu tiên trong lịch sử chung cư Hà Nội tăng giá nhanh trong thời gian ngắn như vậy", giám đốc một đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản chi nhánh Hà Nội thốt lên trong buổi công bố thông tin thị trường quý III mới đây.
Vị này nói, phân tích lịch sử chỉ ra rằng khoảng 10 năm vừa qua, giá chung cư Hà Nội tăng trung bình 5%/năm. Thậm chí, giai đoạn 2009-2019, giá chung cư ít biến động, có thời gian giảm xuống và trung bình chỉ tăng 2%/năm. Tuy nhiên, quý III năm nay, giá đã tăng tới 26% ở cả chung cư sơ cấp lẫn thứ cấp.
Đơn vị nghiên cứu này cho biết tại thị trường sơ cấp, giá bán trung bình chung cư Hà Nội đã đạt 64 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), chỉ thấp hơn 3% so với mức giá trung bình hiện tại của TPHCM. Còn ở thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt 46 triệu đồng/m2, tăng 5,5% theo quý và gần 26% theo năm.
Số liệu của Savills Việt Nam thậm chí còn cho biết giá căn hộ sơ cấp Hà Nội trong quý III đạt 69 triệu đồng/m2, tăng 6% theo quý và 28% theo năm. Giá bán chung cư cũ lên 51 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 41% theo năm.
Đáng chú ý, các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng chiếm đến 70% tổng lượng căn hộ bán ra, tăng mạnh so với mức chỉ 2% của năm 2020. Trong khi đó, phân khúc căn hộ giá dưới 2 tỷ đồng gần như biến mất khỏi thị trường, chỉ chiếm vỏn vẹn 1% tổng nguồn cung.
"Nhịn ăn nhịn mặc" gần 40 năm mới mua được chung cư?
Cách đây không lâu, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng: Với giá nhà đất đắt đỏ như hiện tại, giới trẻ nếu không tìm đến các kênh đầu tư để mong muốn có thu nhập thụ động thì với lương đi làm khả năng có thể mua được nhà là rất nhỏ.
Câu hỏi đặt ra là nếu chỉ làm việc bình thường, không có nguồn thu nhập thụ động nào thì mất bao lâu để mua được một căn chung cư có giá ở mức phổ biến hiện nay là 4 tỷ đồng?
Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố thu nhập bình quân 9 tháng của lao động làm việc trong một số ngành nghề phổ biến trong nền kinh tế. Theo đó, thu nhập bình quân của ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 11,2 triệu đồng, tăng 13% so với năm ngoái. Lao động trong hoạt động kinh doanh bất động sản là 11,7 triệu đồng, tăng 11,6%.
Thu nhập lao động ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 12,7 triệu đồng/tháng, tăng 11,2%. Lao động ngành khai khoáng có thu nhập bình quân là 11 triệu đồng, tăng 7,8%; xây dựng là 8,4 triệu đồng, tăng 6,7%.
Ngoài ra, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương là 8,5 triệu đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lao động nam có mức thu nhập bình quân là 9 triệu đồng còn lao động nữ là 7,9 triệu đồng. Lao động làm việc trong khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân là 9,5 triệu đồng còn ở khu vực nông thôn ở mức 7,7 triệu đồng.
Giả sử những người làm trong các nghề này dành 100% thu nhập để mua nhà, họ sẽ mất từ 315 đến 520 tháng để sở hữu được căn chung cư 4 tỷ đồng.
Nhanh nhất trong nhóm này có lẽ là lao động trong ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Những người này mất khoảng 26 năm 3 tháng để mua được căn hộ 4 tỷ đồng. Tiếp theo là những người làm kinh doanh bất động sản, mất 28 năm 6 tháng để mua được nhà. Đứng thứ 3 là ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, hơi nóng với gần 30 năm thu nhập.
Từ những số liệu trên, tạm tính, nếu chỉ làm công ăn lương với thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/tháng thì cần nhịn ăn, nhịn mặc 39 năm 3 tháng để mua được chung cư 4 tỷ đồng.