Làm mới các dòng sản phẩm cổ điển không phải điều hiếm gặp trong lĩnh vực thời trang hay xe hơi. Các công ty trong ngành công nghệ từng nhiều lần "hồi sinh" những thương hiệu đã qua thời đỉnh cao. Tuy nhiên, chưa nỗ lực nào mang về kết quả tích cực.
Ví dụ gần nhất là thỏa thuận giữa OnwardMobility với BlackBerry. Năm 2020, startup có trụ sở tại Mỹ công bố kế hoạch phát triển smartphone 5G dưới thương hiệu BlackBerry. Sau khi hoãn ra mắt thiết bị trong năm 2021, OnwardMobility vào ngày 12/2 bất ngờ tuyên bố ngừng hoạt động, kế hoạch phát triển smartphone BlackBerry cũng đổ vỡ.
Không chỉ BlackBerry, một số thương hiệu di động cũng thất bại trong việc trở lại thị trường nhằm tìm lại hào quang đã mất từ lâu.
Thất bại của BlackBerry và Palm
BlackBerry từng là thương hiệu smartphone được giới doanh nhân ưa thích trước khi iPhone ra đời. Không chỉ phần cứng, yếu tố giúp BlackBerry thành công đến từ dịch vụ BlackBerry Messenger (BBM). Ra mắt vào năm 2005, ứng dụng này cho phép người dùng nhắn tin, chia sẻ hình ảnh, video và gọi điện qua Internet.
Giống như iMessage trên iPhone, BBM chỉ phục vụ người dùng BlackBerry. Đến năm 2013, dịch vụ này mở rộng sang iOS và Android.
Theo Android Authority, BBM đã giữ chân hàng triệu người dùng BlackBerry. Tuy nhiên, công ty Canada nhanh chóng đánh mất lợi thế khi mất quá nhiều thời gian để chuyển sang nền tảng BlackBerry 10, trong khi iOS và Android dần đánh chiếm thị trường. Dù hỗ trợ BBM cho iOS và Android, BlackBerry vẫn không thể níu chân người dùng ở lại hệ sinh thái.
BBM là yếu tố khiến hàng triệu người ở lại hệ sinh thái BlackBerry. Ảnh: iMore. |
Khi Research in Motion tuyên bố ngừng sản xuất điện thoại BlackBerry, công ty này đã cấp phép sử dụng thương hiệu cho TCL, Optiemus Infracom và một số hãng khác. Tuy nhiên, các công ty trên đều không nhận ra sức hấp dẫn thực sự của BlackBerry nằm ở BBM, cũng như thiết kế tối ưu cho liên lạc.
Năm 2017, TCL trình làng BlackBerry KeyOne với bàn phím vật lý quen thuộc, nhưng thời điểm ra mắt đã quá muộn. Những thiết bị chạy Android hoàn toàn không có linh hồn của BlackBerry. Dịch vụ BBM ngừng hoạt động khiến BlackBerry chỉ đơn thuần là dòng chữ in trên mặt lưng. Không ngạc nhiên khi những thiết bị này nhanh chóng thất bại.
Điều tương tự cũng diễn ra với Palm, thương hiệu được biết đến với loạt sản phẩm trợ lý số cá nhân (PDA) ra mắt từ năm 1996. Đầu thập niên 2000, Palm lấn sân sang smartphone, đặt nền móng cho giao diện điều khiển hiện đại khi trình làng hệ điều hành webOS vào năm 2009.
Khi ra mắt trong năm 2009, Palm Pre được mệnh danh là smartphone đa nhiệm đầu tiên trên thế giới. Những gì người ta nhớ đến điện thoại Palm là giao diện dạng thẻ, cử chỉ điều khiển vuốt tương tự iPhone và nhiều smartphone Android hiện nay.
Giống như BlackBerry, thương hiệu điện thoại Palm đã qua tay nhiều công ty. Hãng máy tính HP thâu tóm Palm vào năm 2010, nhanh chóng bán lại cho TCL sau thất bại của tablet TouchPad chạy webOS. Về phía TCL, công ty Trung Quốc cũng không nhận ra yếu tố từng khiến Palm đặc biệt trong quá khứ.
Điện thoại Palm chạy Android không còn các yếu tố đặc trưng như quá khứ. Ảnh: The Verge. |
Năm 2018, Palm được "hồi sinh" dưới dạng smartphone Android siêu nhỏ, huy động vốn từ cộng đồng để sản xuất. Kích thước máy nằm gọn trong lòng bàn tay, cần kết nối với smartphone khác để nhận cuộc gọi. Tuy nhiên, thị trường mà Palm nhắm đến quá nhỏ bé. Kế hoạch hồi sinh thương hiệu Palm thất bại ngay từ khi ra mắt.
Sự chật vật của Nokia
Bài học từ Palm và BlackBerry cho thấy nỗ lực "hồi sinh" thương hiệu điện thoại không thể hiệu quả nếu chỉ dựa vào tên gọi. Các phiên bản mới của BlackBerry hay Palm không chứa những yếu tố đặc trưng của thương hiệu. Chủ sở hữu mới chỉ đơn thuần tìm về cảm giác hoài cổ, trong khi thành công của BlackBerry và Palm không chỉ chú trọng vào phần cứng.
Ứng dụng và dịch vụ đi kèm mới là điểm nổi bật của BlackBerry và Palm. Tuy nhiên năm 2016, BBM đã không còn phù hợp để thu hút người dùng mua điện thoại BlackBerry. Trong khi đó, Palm Phone là mẫu smartphone Android dành cho thị trường hầu như không tồn tại.
Tất nhiên, không phải nỗ lực nào cũng thất bại hoàn toàn. Trong 5 năm qua, HMD Global, công ty tiếp quản thương hiệu Nokia, thu hút người dùng nhờ mang đến các mẫu điện thoại đủ ổn định và chất lượng phần cứng tốt.
Dù không giúp Nokia trở lại vị trí số một, đó là những yếu tố tạo nên thương hiệu Nokia nổi danh một thời. Ngược lại, các smartphone Nokia với chất liệu cao cấp, thiết kế sáng tạo hay 5 camera đều thất bại thê thảm.
Dù không thất bại như Palm hay BlackBerry, sự trở lại của Nokia khá chật vật. Ảnh: Engadget. |
Các mẫu smartphone tầm trung, giá rẻ của Nokia cũng không nổi bật so với đối thủ, thậm chí bị phàn nàn do các bản cập nhật phần mềm gặp lỗi, phần cứng nâng cấp nhạt nhòa. Nhiều ý kiến cho rằng chúng đang phá hoại di sản mà Nokia để lại trong nhiều năm. Sự "hồi sinh" chỉ có tác dụng nếu những thiết bị lấp đầy khoảng trống trên thị trường.
Theo Android Authority, một thương hiệu điện thoại sẽ biến mất khi không còn khả năng phục vụ nhóm khách hàng nhất định. Điều đó khiến việc trở lại thậm chí khó khăn hơn. Từ những tấm gương của Palm hay BlackBerry, có lẽ chúng ta nên để những thương hiệu chìm vào quá khứ thay vì phá hoại di sản để kiếm lợi nhuận.
(Theo Zing)
Cộng đồng những người chơi BlackBerry vốn tĩnh lặng bỗng dưng được nhắc nhiều trong thời gian gần đây, cho thấy sản phẩm BlackBerry dù có thành "cục gạch" vẫn được nhiều người yêu mến.