Ngôi sao cầu lông hạng 4 thế giới Lee Chong Wei vừa phát hiện mắc ung thư mũi giai đoạn đầu.
Ngôi sao cầu lông số 1 của Malaysia Lee Chong Wei,ôisaocầulôngthếgiớiLeeChongWeimắcungthưmũltd bd anh 36 tuổi vừa được phát hiện mắc ung thư mũi giai đoạn đầu. Anh đang là một trong những tay vợt nổi tiếng nhất thế giới, xếp hạng 4 của Liên đoàn cầu lông thế giới, từng 3 lần giành huy chương bạc tại Olympic.
Lee Chong Wei đang điều trị tại một BV ở Đài Loan |
Hiện Lee Chong Wei đã sang Đài Loan điều trị. Vì lý do sức khoẻ, anh đã phải rút tên ra khỏi giải vô địch thế giới và SEA Games 2019.
Nhiễm virus, ăn mặn là nguyên nhân hàng đầu
Ung thư mũi (ung thư biểu mô mũi họng NPC) là ung thư không phổ biến, xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển từ các mô ở mũi họng, khu vực sau khoang mũi và trên cổ họng.
Trong giai đoạn 2003-2007, nghiên cứu tại BV Parkway (Singapore) cho biết, ung thư mũi từng là ung thư phổi biến thứ 7 ở nam giới Singapore và thứ 12 ở phụ nữ, chiếm 4,6% tỉ lệ tử vong do ung thư ở nam giới và 1,7% ung thư ở nữ giới.
Ở Singapore, nguy cơ mắc ung thư mũi ở nam giới cao gấp 3 lần nữ giới nhưng những năm gần đây, tỉ lệ mắc ung thư này đã giảm dần do giới trẻ thay đổi dần lối sống.
Theo các nghiên cứu, ung thư mũi mắc cao nhất ở Trung Quốc, kế đó là Malaysia.
Đến nay nguyên nhân chính xác gây ung thư mũi chưa được xác định, tuy nhiên nhiễm virus Epstein Barr (EBV) được coi là một trong những tác nhân hàng đầu gây ra loại ung thư này.
Người ta cũng tìm thấy các yếu tố nguy cơ liên quan như ăn quá mặn khi còn nhỏ, ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn hoặc thức ăn lên men, hút thuốc lá.
Ngoài ra nếu gia đình nào có người thân từng mắc ung thư mũi thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn những người khác.
Do đó cách đơn giản ngăn ngừa ung thư mũi là thay đổi lối sống, thói quen ăn uống như tránh các thực phẩm lên men, thực phẩm chế biến sẵn, ăn nhạt và ăn nhiều hoa quả, rau xanh.
Dấu hiệu và triệu chứng
TS Rekha Balachandran, bác sĩ tai mũi họng của BV Ipoh Pantai (Malaysia) cho biết, ung thư mũi rất khó chẩn đoán ở giai đoạn sớm do các triệu chứng ban đầu không rõ ràng, không đau đớn nên dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên khi có những triệu chứng sau, bạn cần đi kiểm tra.
So với nhiều ung thư phổ biến khác, tỉ lệ sống sau 5 năm với các bệnh nhân mắc ung thư mũi khá cao |
- Cổ có u nhưng không đau: Những người nào có khối u xuất hiện trên 3 tuần cần được thăm khám ngay lập tức.
- Chảy máu mũi hoặc nghẹt mũi, giảm khứu giác, đặc biệt ở một bên cũng có thể triệu chứng sớm của ung thư mũi.
- Có máu trong đờm
- Suy giảm thính giác
- Đau đầu xuất hiện khi các mô ung thư chèn ép vào dây thần kinh, các cơn đau có thể kéo dài dai dẳng.
- Cổ bị sưng hoặc sờ thấy các hạch bạch huyết
- Thị giác bị ảnh hưởng do dây thần kinh bị chèn ép
- Ngoài ra các triệu chứng như sụt cân, mệt mỏi, đau xương...
Phương pháp điều trị
So với nhiều loại ung thư khác, ung thư mũi có tỉ lệ điều trị khỏi khá cao. Việc tiên lượng và lựa chọn các phương pháp điều trị ung thư mũi phụ thuộc vào giai đoạn khối u. Ở giai đoạn sớm, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u, sau đó áp dụng xạ trị (giai đoạn 1-4B).
TS Rekha Balachandran cho biết, ở giai đoạn 1-2, tỉ lệ bệnh nhân ung thư mũi sống sau 5 năm rất cao, lên tới 80-85%, nhiều trường hợp sống đến 10-20 năm.
Từ giai đoạn 4C, khi khối u di căn vào xương, phổi và gan, các can thiệp ít tác dụng, lúc này bệnh nhân chỉ được điều trị giảm nhẹ.
Minh Anh
Theo công bố mới nhất của WHO, số ca mắc mới ung thư của Việt Nam năm 2018 đã tăng lên 165.000 ca.