Cây thị này nằm trong khuôn viên nhà thờ họ Phạm Đại tôn (thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Theo đại diện của dòng họ này, cây thị có từ năm 1559, do ông tổ họ Phạm trồng, đến nay có tuổi đời 462 năm.
Cây thị cao hơn 20 m, chu vi gốc cây 7,5 m, đường kính thân cây khoảng 2,3 m, phải 4 người lớn dang tay ôm mới xuể.
Mặc dù có tuổi đời hàng trăm năm và bên trong thân đã bị mục rỗng nhưng "cụ" thị vẫn tươi tốt lạ thường, tán cây bao trùm cả khuôn viên sân vườn.
Cứ đến mùa, cây thị này lại cho thu hoạch cả tạ quả, hương thơm dịu dàng, lan tỏa cả một góc làng. Nhiều người đến đây để xin quả thị về chưng trong nhà cho thơm.
Ông Phạm Được (64 tuổi, đại diện dòng họ Phạm) cho biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cây thị là nơi che chở cho bộ đội, và sau này là nơi vui chơi của những đứa trẻ, cũng như bà con nhân dân trong làng.
"Cây thị không chỉ có ý nghĩa về lịch sử mà còn mang giá trị về văn hóa. Không chỉ người trong dòng họ, mà bà con nơi đây xem cây thị như là báu vật của làng", ông Phạm Được cho biết.
Theo ông Võ Tá Kỷ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên), cây thị tại khuôn viên nhà thờ dòng họ Phạm có từ hàng trăm năm trước. Tháng 6/2021, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam có văn bản thông báo đã công nhận cây thị này là Cây Di sản Việt Nam.
Một nhánh của cây thị đã bị gãy do mưa bão.
Những quả thị chín vàng, hương thơm tỏa ngát.
Cây thị là nơi vui chơi lý tưởng của những đứa trẻ trong làng.
Theo Dân Trí
Người ta vẫn không tài nào lý giải được chuyện những cây chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên độ cao 3.000m quanh đỉnh Fansipan.