Trong ngày 21/1, núi Merapi của Indonesia đã phun trào gây ra những cột tro bụi bốc lên cao và dung nham lở xuống sườn núi.
Ông Agus Budi Santoso, người đứng đầu Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ liên quan thảm họa địa chất của Indonesia, cho biết trên hòn đảo đông dân cư Java, núi lửa Merapi đã giải phóng những đám mây tro nóng, hỗn hợp đá và dung nham di chuyển sâu tới 2 km xuống sườn dốc của nó.
Ông cho biết thêm, một cột tro bụi cao khoảng 100m bao phủ một số ngôi làng nhưng may mắn không gây thương vong.
Merapi (cao 2.968m) là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trong số hơn 120 ngọn núi lửa trên khắp Indonesia. Đây là vụ phun trào mới nhất kể từ khi các nhà chức trách nâng mức cảnh báo đối với núi lửa này lên mức cao thứ hai hồi tháng 11/2020 sau khi các dữ liệu cảm biến ghi nhận hoạt động địa chất ngày càng tăng.
Người dân sống trên sườn núi được cảnh báo nên tránh xa miệng núi lửa 7km và lưu ý các mối đe dọa có thể xảy ra từ dòng dung nham chảy. Năm 2010, một vụ phun trào đã giết chết 347 người và khiến 20.000 dân làng phải di dời.
Cũng trong ngày 21/1, trong một tuyên bố trên mạng xã hội X, Trung tâm Giảm nhẹ Thiên tai Địa chất và Núi lửa Indonesia cho biết một số ngọn núi lửa đang hoạt động khác cũng đã phun trào vào cuối tuần qua gồm núi lửa Lewotobi Laki Laki ở tỉnh Đông Nusa Tenggara, núi lửa Marapi ở tỉnh Tây Sumatra, núi lửa Semeru ở tỉnh Đông Java, hay núi lửa Ibu trên đảo Halmahera ở tỉnh Bắc Maluku. Chính quyền các nơi phải sơ tán hàng nghìn cư dân.
Cơ quan trên cho hay, núi Lewotobi Laki Laki đã phun những cột tro bụi cao tới 700m trong ngày 21/1 khiến hơn 6.500 người phải sơ tán đến nơi trú ẩn. Cũng trong ngày 21/1, núi Marapi ở tỉnh Tây Sumatra lại phun trào, đánh dấu vụ phun trào lớn thứ ba trong tháng này, mặc dù không phun trào dung nham. Khoảng 500 cư dân sống gần đó đã được sơ tán. Tháng trước, núi Marapi đã phun trào khiến 23 người leo núi thiệt mạng và một số người khác bị thương.
Núi Semeru ở tỉnh Đông Java cũng đã phun những cột tro bụi và dung nham trong ngày 20/1 trong khi núi Ibu trên đảo Halmahera ở tỉnh Bắc Maluku đã phun cột tro nóng cao tới 1.300m. Trước đó, vào tháng 12/2021, núi Semeru, ngọn núi lửa cao nhất đảo Java, đã phun trào khiến 48 người thiệt mạng và 36 người mất tích.
Indonesia, một quần đảo có 270 triệu dân, thường xuyên xảy ra động đất và hoạt động núi lửa vì nằm dọc theo "Vành đai lửa", một chuỗi các đường đứt gãy địa chấn hình móng ngựa xung quanh Thái Bình dương.
Theo AP