Hôm qua (31-10),ắngbấtanvớinợcôngnợxấtỷ số ngoại hạng anh kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII tiếp tục phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã có bài phát biểu tại hội trường. Báo Bình Dương xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng.
Trước hết tôi bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu và chuyển biến tích cực về KT-XH của đất nước. Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã tạo được sự ổn định cần thiết trong phát triển kinh tế, cả trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các cân đối vĩ mô. Văn hóa xã hội cũng đang có những chuyển động tích cực. Điểm sáng tích cực dễ nhận thấy nhất là sự chuyển biến trong phong cách làm việc của các bộ trưởng và trưởng đầu ngành. Nhiều vị đã xông xáo, xuất hiện khắp nơi khi cần thiết, phản ứng nhanh nhạy, can thiệp đúng mức và hợp lý tình hình… Do vậy mà gần dân, vì dân và có lợi cho dân hơn. Phong cách tích cực này, trước đây ít thấy.
Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương
Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng nền kinh tế đất nước ta chưa ra khỏi khó khăn. Báo cáo chính thức của Chính phủ trong kỳ họp cho thấy rõ điều đó. Hai “cục máu đông” là nợ xấu và nợ công rất đáng lo ngại. Nợ xấu giảm chưa nhiều, ngược lại đang có xu hướng tăng. Nợ công lớn và sẽ còn tiếp tục tăng, gây lo lắng, bất an dù chưa vượt ngưỡng cho phép. Các nợ khác như nợ doanh nghiệp Nhà nước, nợ trái phiếu Chính phủ, nợ đọng xây dựng cơ bản đều lớn. Trong lịch sử nước ta, chưa bao giờ có tình hình nợ nần đáng lo như vậy. Càng lo ngại hơn là ta đã phải đi vay để đảo nợ vì ngân sách không đủ nguồn để trả nợ. Trong khi đó, các mức chi, nhất là chi thường xuyên của ta ngày càng tăng với nhiều nhu cầu cụ thể, dẫn đến bội chi ngân sách ngày càng lớn. Đã bội chi ngân sách nhưng kỷ luật tài khóa của ta chưa nghiêm. Phụ lục số 4 của báo cáo Chính phủ về thực hiện chi ngân sách Nhà nước năm nay cho thấy hầu hết các ngành đều vượt chi. Tiêu biểu như, chi sự nghiệp kinh tế vượt chi đến hơn 4.400 tỷ đồng, chi giáo dục - đào tạo, dạy nghề vượt chi hơn 1.500 tỷ đồng… ngành nào, lĩnh vực nào cũng vượt chi cả, chỉ có ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình và chi sự nghiệp khoa học công nghệ là không chi vượt. Kỷ luật tài khóa như vậy là kém. Trong tình hình khó khăn về ngân sách như hiện nay, nơi nào, ngành nào vượt chi thì cần phải biết xấu hổ và ai, cấp nào đã dễ dãi cho phép vượt chi, càng phải thấy xấu hổ hơn. Cũng trong báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm nay chúng ta tiếp tục có xuất siêu. Có ý kiến cho đó là tích cực và vui mừng. Tôi cho rằng sự xuất siêu đó không nói lên chuyển biến tích cực nào cả, khi mà hàng chục ngàn doanh nghiệp đang đình đốn sản xuất hay giải thể, khi mà, ta đang phải đôn đáo tìm thị trường mới để nhập các nguyên liệu vật tư mà ngành công nghiệp phụ trợ của ta không đảm đương nổi vì quá yếu kém. Để tiến lên xuất siêu thật sự, phản ánh sự lớn mạnh của nền kinh tế, ta cần nỗ lực nhiều hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong báo cáo của Chính phủ tôi thấy có phương hướng “… mở thêm thị trường mới… đa dạng hóa và không để phụ thuộc vào một thị trường…”. Đây là chủ trương đúng đắn, thích ứng với tình hình mới hiện nay. Nhưng tôi muốn bổ sung thêm rằng “cần cảnh giác với các loại thị trường dễ tính”. Ở thị trường dễ tính, hàng hóa của ta chất lượng thấp cũng bán được, bẩn một chút cũng bán được, mẫu mã xấu cũng bán được, có hợp đồng hay không có hợp đồng đều mua bán được… Nhiều người thấy thế lấy làm mừng nên ngày càng bị cột chặt vào loại thị trường này. Hậu quả là ta cứ yên tâm để duy trì một nền sản xuất đáp ứng cho loại thị trường cấp thấp, dân ta cứ quen dần với lối kinh doanh kiểu cũ. Nếu tư duy và thói quen này không thay đổi thì nền kinh tế của ta chỉ mãi sản xuất ra các hàng hóa vừa kém vừa bẩn về chất, xấu về mẫu, không biết đến hàm lượng khoa học công nghệ, bất chấp các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn và sẽ chỉ kinh doanh theo lối chụp giật, không cần biết đến hợp đồng kinh tế, xa lạ với các tập quán văn minh của kinh doanh hiện đại. Bây giờ, nền sản xuất chúng ta chưa phát triển, buộc chúng ta còn phải dính líu đến loại thị trường cấp thấp này, nhưng về lâu dài, cần tích cực tái cơ cấu nền kinh tế, để sớm vẫy chào chia tay với loại thị trường thô sơ này. Nếu chúng ta cứ cập kè gắn bó, thậm chí lệ thuộc loại thị trường này thì mãi mãi nền kinh tế của ta sẽ không thể cất cánh. Do vậy, tôi đề nghị, chúng ta cần cảnh giác với các thị trường dễ tính.
Trong báo cáo của Chính phủ, tôi rất hoan nghênh phương hướng “… phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao…”. Nhiều ngành sản xuất của ta cần nhanh chóng chuyển đổi theo phương hướng này, chú ý nhiều hơn đến giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa. Tôi đơn cử một ngành hàng tiêu biểu là trồng và khai thác cây cao su. Cách nay gần 100 năm, người Pháp tổ chức ngành này theo cách toàn bộ nhựa cao su khai thác được, qua sơ chế sẽ được chở hết về tiêu thụ ở chính quốc. Rồi thuộc địa phải nhập lại từ chính quốc các sản phẩm cao cấp chế tạo từ nhựa cao su mà mình đã xuất thô trước đây. Như vậy là giá trị gia tăng chỉ có ở chính quốc, ở thuộc địa chỉ còn lại giá trị thô. Chính vì lối làm ăn này mà Lênin đã gọi Pháp là đế quốc cho vay nặng lãi. Vì họ chỉ đầu tư chút ít nhưng chiếm đoạt toàn bộ giá trị gia tăng. Tiếc rằng sau gần 100 năm, ngày nay chúng ta vẫn duy trì lối tổ chức sản xuất ngành cao su như thời Pháp. Các đồn điền cao su bây giờ không còn là các địa ngục trần gian như xưa nữa, cây cao su cũng đã được trồng cả ở miền Trung và vùng Tây Bắc, nhưng vẫn như xưa, hầu hết nhựa cao su của ta khai thác được từ vườn cao su tiểu điền và công ty Nhà nước, qua sơ chế cũng chỉ được xuất thô. Có nghĩa là ta chỉ có giá trị thô, giá trị nội địa chỉ là giá trị thô với tỷ trọng rất thấp, còn giá trị gia tăng, ta ưu ái dành cho nước ngoài. Không hiểu vì sao mà sau gần 30 năm đổi mới, ta đã có hàng trăm ngàn nhà máy, xí nghiệp nhưng vẫn chỉ xuất thô nhựa cao su để rồi mỗi năm kìn kịt nhập về hàng ngàn săm lốp ô tô và các mặt hàng cao cấp khác chế tạo từ chính nhựa cao su ta đã xuất thô. Nếu bình tĩnh nhìn nhận thêm thì ta thấy các ngành lắp ráp ô tô, điện tử, gia công dệt may, cơ khí… và nhiều ngành hàng khác đều có giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa rất thấp. Đã đến lúc không nên bằng lòng nữa với lối tổ chức sản xuất thua thiệt như vậy. Phương hướng của Chính phủ về nâng cao giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa là rất sáng suốt và đúng hướng. Nó cần được cụ thể trong tái cơ cấu nền kinh tế để tạo ra giá trị thật sự.
Dù phát triển KT-XH theo phương hướng nào, ta vẫn không thể quên vấn đề biển Đông. Khi nào người khác còn dã tâm độc chiếm biển Đông thì ta còn phải kiên quyết đấu tranh; cho nên có thể 100 năm nữa biển Đông vẫn sẽ còn dậy sóng. Đây không chỉ là cuộc đấu tranh kiên cường, mưu trí mà còn sẽ phải lâu dài, bền bỉ. Có thể có người đang mong muốn nước ta, do tiềm lực kém hơn nhưng phải đối phó dài lâu với các sự cố thường xuyên ở biển Đông, mà sẽ chảy máu dần dần cho đến kiệt sức. Vậy nên mọi kế sách đấu tranh bảo vệ biển Đông của ta, cả trong nhận thức hay hành động, chính trị hay pháp lý, phòng thủ hay vượt trên phòng thủ và quan trọng nhất là trong phân bổ nguồn lực đều phải quán triệt phương châm lâu dài, bền bỉ. Trước hết, cần khéo léo biến vấn đề biển Đông thành nhân tố tập hợp, đoàn kết người Việt Nam cả trong nước và trên toàn thế giới để huy động, khai thông và phát huy các nguồn lực khả dĩ. Đó sẽ là các nguồn lực vô tận và lâu dài.
(*): Tựa bài do Tòa soạn đặt