Các nhà khoa học Nhật Bản thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Lượng tử Quốc gia (QST) và Đại học Osaka đã tạo ra bước đột phá trong việc nghiên cứu não bộ của con người bằng cách phát triển công nghệ “giải mã suy nghĩ” hoàn toàn mới.
Công nghệ mới dựa trên trí tuệ nhân tạo(AI) lần đầu tiên cho phép biến hình dung về các vật thể và phong cảnh bên trong bộ não con người thành các hình ảnh trực quan.
Với sự trợ giúp của AI, các nhà khoa học đã có thể bắt đầu tái hiện được những hình ảnh sống động, chi tiết trong trí tưởng tượng của những người tham gia thử nghiệm, ví dụ như một con vật với tai, miệng và các đốm trên lông hoặc một chiếc máy bay có đèn trên cánh.
Trong thí nghiệm mới, các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia thử nghiệm xem khoảng 1.200 hình ảnh, sau đó phân tích và đánh giá tỉ mỉ mối quan hệ giữa tín hiệu não và kích thích thị giác bằng cách sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI).
Dữ liệu thu được được sử dụng để đào tạo AI, giải mã và tái tạo hình ảnh dựa trên hoạt động của não. Kết quả thí nghiệm cho thấy mô hình thành công trong việc tái tạo cả hình ảnh tự nhiên và hình dạng nhân tạo do người tham gia tưởng tượng.
Các nhà nghiên cứu cho biết sự ra đời của công nghệ tái tạo hình ảnh dựa trên hoạt động của bộ não người sẽ mở ra những cơ hội cho việc nghiên cứu các thiết bị liên lạc hoàn toàn mới.
Đồng thời, nó cũng cho phép các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về cơ chế tạo ra ảo giác và giấc mơ trong não người.
Các công trình nghiên cứu trước đây liên quan đến việc tái hiện trí tưởng tượng trong bộ não con người tuy đã đạt được thành công nhất định, tuy nhiên, hình ảnh thu được chỉ giới hạn ở mức độ tối giản, ví dụ như khuôn mặt, dáng người hoặc các chữ cái.
(theo Securitylab)