Nền móng cho sự phát triển
- Thưa đồng chí,ởđườngđilêsoi kèo miền nam hôm nay“cái thuở ban đầu ấy”, từ câu chuyện chia tách tỉnh Sông Bé và rồi Bình Dương đã bước vào quá trình xây dựng, phát triển như thế nào?
- Thời kỳ cuối của Sông Bé, Trung ương vẫn chủ trương cho tỉnh tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh, khi đó tôi là Chủ tịch UBND tỉnh, anh Sáu Phong (đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước) là Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé. Chỉ vài tháng sau, Trung ương đặt vấn đề chia tách tỉnh, để hướng theo đà tiến lên của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho phù hợp giai đoạn đó. Ý Bộ Chính trị khi đó, tách trung du ra trung du, miền núi ra miền núi để tạo điều kiện cho cả 2 tỉnh có điều kiện phát triển. Sau khi có chủ trương này, tôi được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương...
Đồng chí Nguyễn Minh Đức: “Kỳ vọng lớn nhất của tôi hiện nay và cũng là kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân là đất nước, địa phương tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn công cuộc đổi mới…”. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Khi đó, lẽ ra Bí thư Tỉnh ủy sẽ đồng thời là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhưng vì tập trung cho nhiệm vụ nặng nề của địa phương mới được thành lập, tôi xin không giữ nhiệm vụ Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, để toàn tâm, toàn lực vào công tác của địa phương. Hình thành bộ máy xong, tỉnh nhanh chóng tiến hành công tác quy hoạch lại, một quy hoạch hoàn toàn mới, trong đó có bước đi trước mắt, có bước đi quá độ 5 - 10 năm. Khi đó, Trung ương đã đánh giá rất cao quy hoạch này bởi có tầm vóc quốc gia, quốc tế.
Rồi khi quy hoạch được Trung ương thông qua, tỉnh từng bước thực hiện. Vấn đề hàng đầu được tỉnh đặt ra lúc đó là cải cách hành chính (CCHC) theo cơ chế “một cửa, một dấu”. Trước đó, thời kỳ bao cấp, các dự án đều do Trung ương quản lý. Khi Bình Dương bước vào giai đoạn mới, gặp rất nhiều khó khăn trong lĩnh vực này, nên tỉnh đã có những đề xuất, kiến nghị mạnh mẽ với Trung ương, xin phân cấp rồi tiến tới giao hẳn về cho địa phương. Rất may, trong quá trình đề xuất, kiến nghị, Ban Chiến lược kinh tế của Trung ương và Bộ Kế hoạch - Đầu tư rất ủng hộ. Vì thế, những dự án trước đây dự kiến phải mất 30 - 40 ngày mới duyệt thì khi đó tại Bình Dương chỉ mất 5 - 7 ngày là thực hiện được. Trung ương thấy cách làm này tốt, sự cải cách này còn hạn chế được những tiêu cực nên đánh giá cao. Khi đó, cơ chế “một cửa, một dấu”, chỉ Bình Dương làm được, không qua ngõ ngách nào hết. Đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, CCHC của Bình Dương được Trung ương xếp hạng nhất.
Tạo bước tiến thần kỳ
- Cùng với đột phá về CCHC, chủ trương phát triển công nghiệp khi đó đã được tỉnh cụ thể hóa như thế nào, thưa đồng chí?
- Tỉnh tiến hành quy hoạch vùng động lực kinh tế, công nghiệp riêng, nông nghiệp nông thôn riêng. Cho nên, quy hoạch công nghiệp từng bước được thực hiện và phát triển tốt. Đặc biệt, từ năm 1996, Singapore đã qua đặt vấn đề đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tiên ở Việt Nam, hướng đầu tư ban đầu ở miền Bắc; phương án 2 ở TP.Hồ Chí Minh và phương án 3 là do phía đối tác quyết định. Khi đó, qua theo dõi tình hình đổi mới ở Bình Dương, đặc biệt là bước đi đột phá về CCHC của tỉnh, nên đối tác đã chọn Bình Dương để xây dựng VSIP I.
Quá trình xây dựng VSIP I cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì đây là vấn đề hoàn toàn mới, nhiều quy định, cơ chế, chính sách còn chưa theo kịp. Chẳng hạn như câu chuyện phía đối tác đề nghị được xây dựng luôn cả nhà máy điện, nhưng thời điểm đó, việc này chưa có tiền lệ. Cuối cùng tỉnh kiến nghị, đề xuất mạnh mẽ với bộ, ngành Trung ương, việc này mới được tháo gỡ…
Cùng với đó, tỉnh chủ trương đầu tư xây dựng mới quốc lộ 13. Lúc đầu dự kiến quy hoạch còn đường này lên đến chục làn xe nhưng khi đó đây cũng là câu chuyện mới, chưa ai nghĩ cần thiết phải làm một con đường thênh thang như thế, vì có xe chạy đâu! Đó cũng là khó khăn mà tỉnh phải đối mặt, tìm cách tháo gỡ để rồi con đường được hình thành. Đây cũng là kết quả của quá trình đề xuất, kiến nghị kiên trì của tỉnh. Và, quốc lộ 13 đã trở thành con đường chiến lược để Bình Dương bắt đầu từng bước vươn lên.
Chỉ sau một thời gian, Bình Dương có bước chuyển biến một cách thần kỳ, được Trung ương đánh giá rất cao. Lúc đó, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đánh giá, Bình Dương thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa là hiện tượng thần kỳ trong quá trình đổi mới, vì không có tỉnh nào trong cả nước vừa mới bước vào quá trình xây dựng và phát triển lại có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp mạnh mẽ như vậy. Khi đó, Bình Dương đạt tỷ trọng công nghiệp trên 60% trong cơ cấu kinh tế, Trung ương cho rằng đây là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thành phố công nghiệp. Trước đó, khi được tách ra, Bình Dương vốn có xuất phát điểm là một tỉnh nông nghiệp, vậy mà mới bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa, tỉnh đã có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp một cách mạnh mẽ, công nghiệp chiếm 63%, dịch vụ trên 30%, nông nghiệp chỉ còn khoảng 5% trong cơ cấu kinh tế. Lúc đó, chưa có tỉnh nào đạt được cơ cấu kinh tế như vậy.
Không để vướng mắc cản trở phát triển
- Thưa đồng chí, thời điểm đó khi cơ chế, chính sách chung còn hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển đã được giải quyết ra sao?
- Trong quá trình lãnh đạo, tỉnh thấy vướng ở đâu thì phải tìm cách tháo gỡ. Cái vướng mang tầm chiến lược thì tháo gỡ từng bước, từng phần, tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương. Cái vướng mắc nhỏ, thuộc thẩm quyền địa phương thì phải chủ động giải quyết. Không để những vướng mắc làm cản trở bước đi, con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Dương. Xuất phát từ đáy lòng mình, chúng tôi nghĩ như thế và đặt vấn đề với Trung ương để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho Bình Dương phát triển.
- Sau 25 năm, Bình Dương hôm nay đã đổi mới như thế nào, đồng chí có những kỳ vọng gì vào sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới?
- Tôi cho rằng, sự phát triển của Bình Dương hôm nay đã đạt được tầm cỡ, là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng CCHC cần phải đẩy mạnh hơn nữa, Bình Dương hiện vẫn chưa vươn lên đứng đầu cả nước về lĩnh vực này. Do đó, CCHC cần phải được làm triệt để hơn nữa, làm ở cấp tỉnh, cấp huyện, phải xóa bỏ triệt để sự quan liêu. Kỳ vọng lớn nhất của tôi hiện nay và cũng là kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân là đất nước, địa phương tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn công cuộc đổi mới. Ở góc độ vĩ mô, những rào cản đối với sự phát triển cần được xóa bỏ, điều chỉnh lại những quy định để tránh sự chồng chéo. Ở góc độ địa phương, cần phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đưa Bình Dương phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới...
- Xin cám ơn đồng chí!
‘‘ Trong quá trình lãnh đạo, tỉnh thấy vướng ở đâu thì phải tìm cách tháo gỡ. Cái vướng mang tầm chiến lược thì tháo gỡ từng bước, từng phần, tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương. Cái vướng mắc nhỏ, thuộc thẩm quyền địa phương thì phải chủ động giải quyết. Không để những vướng mắc làm cản trở bước đi, con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Dương. Xuất phát từ đáy lòng mình, chúng tôi nghĩ như thế và đặt vấn đề với Trung ương để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho Bình Dương phát triển…”.