Nhìn tốc độ làm việc của nghệ sĩ Minh Nhí,íNghềdiễnkhổnhưngaigiàubằngHoàiLinhTrườkết quả trận beijing guoan không ai nghĩ anh đã bước sang tuổi 56. Dáng người nhỏ con nhưng luôn luôn tất bật, nhanh nhẹn và khẩn trương. Thoắt cái, thấy anh đang đứng trên sân khấu nắm tay, chỉ dạy học trò tại sân khấu kịch Minh Nhí. Rồi tự tay anh chuẩn bị đạo cụ cho các học trò để tập luyện vở diễn mới.
Minh Nhí là vậy, luôn nhiệt thành và tâm huyết với nghiệp diễn, với học trò và những người thân yêu. Nhưng ẩn sau đó là đôi mắt trũng sâu và thâm quầng, luôn trong trạng thái buồn ngủ của anh.
Làm nghệ sĩ là phải chấp nhận cực khổ
- Ở tuổi 56, một ngày của nghệ sĩ Minh Nhí sẽ diễn ra như thế nào?
- Mỗi một ngày của tôi diễn ra theo nhịp điệu khác nhau, tùy vào công việc. Như hôm nay, 7h tôi đã phải thức dậy để chuẩn bị tham dự một sự kiện bên Hội Văn học Nghệ thuật. Sau đó, tôi trở lại sân khấu kịch để điều hành các công việc, lên lớp, giảng dạy học trò. Quần quật cả ngày ở sân khấu, đến 22h, tôi mới về nhà nghỉ ngơi.
Những ngày quay phim, nếu đoàn phim yêu cầu 7h có mặt thì 6h tôi dậy chuẩn bị, trang điểm, quay hết phân đoạn của mình rồi trở lại sân khấu tiếp tục công việc. Ngoài ra, tôi còn tham gia các game show truyền hình, sitcom... Nói chung, thời gian bây giờ chủ yếu tôi dành cho công việc và sân khấu.
Minh Nhí tự hào đào tạo nhiều nghệ sĩ thành công. |
- Với khối lượng công việc nhiều như vậy trong khi tuổi đã lớn, có bao giờ anh cảm thấy kiệt sức và muốn buông bỏ?
- Nhiều lúc tôi cảm thấy đuối lắm, mệt mỏi và căng thẳng, nhưng bản thân không cho phép mình gục ngã. Bởi lẽ, sân khấu này cần tôi, các diễn viên và học trò luôn trông chờ vào thầy. Nếu tôi buông bỏ thì sân khấu này ai lo. Bao nhiêu công việc quan trọng không ai quyết.
Có những ngày bị bệnh nhưng tôi cũng phải ráng đến sân khấu để giải quyết công việc. Nhiều lúc chỉ ước được một ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa, nằm ở nhà trong phòng máy lạnh, bật tivi xem các chương trình yêu thích rồi ăn uống món ngon con cháu nấu. Bây giờ, thời gian để đi khám bệnh hay tập thể dục còn không có.
- Khán giả rất chua xót và cảm thấy tội nghiệp cho các nghệ sĩ khi thấy những hình ảnh ở hậu trường như NSƯT Hoài Linh ăn bánh mì trừ bữa, Trấn Thành ngủ vạ vật ở cánh gà...Điều đó khiến anh ngẫm gì về nghề của mình?
- Không chỉ riêng Hoài Linh hay Trấn Thành mà tất cả nghệ sĩ đều có những giây phút như vậy. Ví dụ như quay phim vào lúc 3, 4h sáng, ai cũng phải tranh thủ tìm cho mình một góc khuất, ít ánh sáng để ngủ lấy sức. Có nhiều người ngủ ở sàn nhà vì không có ghế. Nhưng xin khán giả đừng gọi đó là tội nghiệp hay thương hại cho nghệ sĩ mà nên gọi là thương. Thương vì sức lao động mà người nghệ sĩ đã bỏ ra để cống hiến cho nghệ thuật, phục vụ đời sống tinh thần cho khán giả.
Có lần khi diễn hài ở sân khấu quận 10, tôi đóng vai ông già đánh xe ngựa. Tới cảnh chở người bộ đội đang ôm hũ cốt của đồng đội về cho gia đình, đèn tắt. Tôi đang di chuyển sát mép sân khấu nên bị ngã xuống bục sân khấu cao gần 3 m. Cú ngã khiến chân phải của tôi bị rách một đường dài, máu chảy lênh láng. Tôi phải dùng khăn cột vết thương lại và diễn tiếp. Đến giờ tôi vẫn còn một vết sẹo dài ở chân phải.
Được làm nghệ thuật là hạnh phúc. Được vùng vẫy, thỏa sức bằng đam mê của mình thì sung sướng không gì bằng. Tiền bạc không thể mua được niềm vui đó.
Ai giàu bằng Hoài Linh, ai giàu bằng Trấn Thành, Trường Giang... nhưng khi đã dấn thân vào nghệ thuật, ai cũng nỗ lực hết sức, ráng chịu mọi cực khổ, dù ăn uống không đúng giờ, ngủ nghê không khoa học.
Làm nghệ sĩ là phải chấp nhận cực khổ. Tất nhiên là nghề nào cũng có những cái khổ riêng nhưng để trở thành nghệ sĩ là hành trình gian nan, phải đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, nước mắt và cả máu nữa. Nhưng nếu ai hỏi tôi có thích làm nghệ sĩ không? Thích chứ. Nếu kiếp sau làm nghệ sĩ mà cực khổ gấp vạn lần tôi vẫn chấp nhận.
Vẫn phải chọc cười khán giả khi nghe tin cha mất
- Hơn 30 năm gắn bó với sân khấu, với nghiệp diễn, theo anh niềm vui lớn nhất của người nghệ sĩ là gì?
- Niềm vui của người nghệ sĩ là được làm nghề, được đứng trên sân khấu để cống hiến cho khán giả những tác phẩm hay, có ý nghĩa.
Người nghệ sĩ cảm thấy hạnh phúc khi nhận được sự trân trọng của khán giả, đồng nghiệp. Có thể cái tên Minh Nhí không còn “hot” như ngày xưa nhưng giờ đi đâu ai cũng gọi tôi bằng thầy, điều đó khiến tôi vô cùng tự hào. Tôi đến chùa, hoặc đi thăm chị gái ở bệnh viện, nhiều khán giả vẫn nhận ra dù che khẩu trang. Họ đi theo tôi gọi tên và vẫy tay rối rít. Không gì hạnh phúc và vui sướng khi chứng kiến những việc này.
- Có phải vì niềm vui đó mà người nghệ sĩ chấp nhận cực khổ, lao lực, ăn nhanh ngủ vội. Nhiều diễn viên, ca sĩ thậm chí phải sử dụng thuốc ngủ để có một giấc ngủ ngon, còn nghệ sĩ Minh Nhí đã từng thế?
Không biết các đồng nghiệp của Minh Nhí thế nào, còn bản thân tôi không sử dụng thuốc ngủ. Làm cả ngày mệt nhoài rồi đến tối nằm xuống giường là ngủ. Trước đây, khi đi diễn ở nước ngoài, phải ngồi máy bay nhiều giờ đồng hồ, Anh Vũ có cho mình uống thuốc ngủ. Mình chỉ uống nửa viên là ngủ không biết trời trăng gì. Sau này, nghe bạn bè nói nhiều về tác hại của thuốc ngủ thì tôi không dám sử dụng nữa vì sợ nhờn và ảnh hưởng sức khỏe. Để giữ sự tỉnh táo khi làm việc, tôi thường tìm một góc nào đó để chợp mắt một lúc lấy lại sức.
Trời thương cho tôi sức khỏe tốt để đảm đương, cáng đáng công việc của sân khấu nên chưa lúc nào phải nhập viện vì kiệt sức hay mắc phải bệnh nặng như các đồng nghiệp khác. Thỉnh thoảng tôi bị đau đầu vì phải suy nghĩ quá nhiều, làm sao để sân khấu được “sáng đèn”, học trò có đất diễn, được tiếp cận khán giả.
- Áp lực công việc, gánh nặng cơm áo gạo tiền đã khiến một số nghệ sĩ không thể tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật, buộc phải rẽ ngang để tìm kiếm một công việc khác. Anh nghĩ sao về điều này?
- Trong nghề thường nói câu cửa miệng: "Tổ đãi người nào người ấy nổi tiếng. Nghĩa là cái duyên với nghề diễn nữa". Trong quá trình giảng dạy, tôi cũng nói với học trò của mình: “Không phải ai học làm diễn viên đều sẽ nổi tiếng. Quên chuyện đó đi”.
Có những bạn trẻ có tài năng, chăm chỉ làm nghề nhưng mãi vẫn chưa nổi tiếng vì chưa cơ hội để tỏa sáng. Có trường hợp bỗng vụt sáng sau một vai diễn, một bài hit. Những bạn không trụ được với nghề vì thu nhập thấp, ít show, không đủ sống phải kiếm nghề khác để sống thì tôi thấy thương lắm.
Một số học trò tôi dạy, không ai nghĩ tụi nó sẽ có ngày nổi tiếng, vì mới đầu vào lóng nga lóng ngóng, không biết diễn, đứng trên sân khấu như trời trồng. Thầy giáo phải lên tận sân khấu thị phạm, chỉ dạy từng động tác, cách nhấn nhá đài từ. Như Thúy Nga ấy, lúc vào học chưa biết gì, đến động tác bắt bướm mà diễn như đang chụp ếch, bị thầy la mắng hoài.
Tuấn Dũng bề ngoài lùn ngủn, diễn khi nào cũng cúi đầu xuống. Việt Hương không đẹp như giờ, diễn không hay. Xuân Nghị thì đen đúa, xấu, diễn dở, học trầy trật, bị thầy chửi lên chửi xuống. Vậy mà không ai nghĩ một ngày tụi nó sẽ tỏa sáng và nổi tiếng như bây giờ. Tuy vậy, mỗi lần gặp, tôi vẫn dặn dò học trò của mình, phải luôn luôn sáng tạo, làm mới mình, không được tự cao, tự mãn. Làm nghệ sĩ để được khán giả yêu quý là điều rất khó, phải cố mà giữ gìn.
- Phần lớn thời gian anh dành cho công việc, chắc anh luôn cảm thấy ân hận, nuối tiếc vì không dành nhiều thời gian cho gia đình?
- Cuộc sống của tôi là ở ngoài đường. Tôi ít khi nói chuyện với mọi người trong gia đình. Tuy vậy, mọi người rất quan tâm nhau. Các anh chị em, con cháu trong đại gia đình Minh Nhí luôn theo dõi và động viên, chăm sóc tôi. Con trai nuôi Minh Khải lúc nào cũng quan tâm đến ba, thường xuyên hỏi ba ăn uống như thế nào, khuyên ba bớt hút thuốc. Gia đình khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và không cô đơn.
Điều khiến tôi nuối tiếc nhất trong cuộc đời mình là khi đã có tiền, nổi tiếng thì cha mẹ mất sớm, không được hưởng thành quả của con. Tôi vẫn còn nhớ như in, vào năm 1997, lúc đang đứng trong cánh gà ở sân khấu Trống Đồng (TP.HCM) để chờ diễn cùng Hữu Châu thì nhận được tin nhắn cha qua đời. Ban đầu tôi không tin nhưng sau đó người nhà liên tiếp nhắn tin thông báo.
Lúc đó, đầu óc trống rỗng, đau đớn, chỉ muốn chạy về để nhìn mặt cha lần cuối. Đúng lúc ấy tiếng người dẫn chương trình giới thiệu tên Hữu Châu và Minh Nhí, tôi phải nén lòng lại, bước ra diễn và chọc cười khán giả nhưng trong lòng thì sụp đổ, vỡ vụn. Diễn xong là 23h, tôi thuê xe chạy về Sa Đéc (Đồng Tháp) chịu tang cha.
Hồi nhỏ, tôi thường nói với cha mẹ là lớn lên con sẽ giàu thiệt giàu, kiếm nhiều tiền về nuôi cha mẹ. Vậy mà tới lúc vừa mua được nhà mấy ngày, tính đón cha lên ở thì cha lại không còn.
Cách đó 4 năm, khi tôi mua căn nhà thứ hai thì mẹ mất. Nỗi đau liên tiếp khiến tôi quỵ ngã. Nếu không có anh chị em và các cháu động viên, chăm sóc thì không gượng dậy nổi. Bây giờ, giúp được gì cho gia đình là tôi làm hết mình.
Minh Nhí và Hồng Vân thân thiết nhiều năm qua. |
- Ở tuổi 56, Minh Nhí vẫn đi về một mình. Anh có nghĩ đến việc tìm một người bạn đời để bầu bạn, chăm sóc mình khi về già?
- Trước đây, tôi từng có vợ và gãy đổ nên giờ không nghĩ đến chuyện kết hôn, có gia đình nữa. Tôi nghĩ đây là nghiệp của mình nên mình phải chịu.
Tôi rất buồn nếu bị quên lãng
- Trong các thế hệ học trò, người nào khiến Minh Nhí tự hào nhất?
- Mỗi học trò tôi tự hào theo một cách riêng. Hạnh phúc của một người thầy là thấy học trò thành công. Nói thiệt, khi tôi diễn một vở mà người ta khen, tôi thấy không vui bằng học trò mình được khen. Học trò của tôi đứa nào cũng ngoan, lễ phép và thương thầy lắm.
Có khi nửa đêm, Việt Hương còn nhắn tin hỏi thăm sức khỏe thầy. Khi thầy có show, nhờ tụi nó đi diễn cùng, đứa nào cũng nhiệt tình, đi theo diễn mà không bao giờ hỏi han cát-xê. Thầy đưa sao lấy vậy.
Cuộc đời tôi chỉ có học trò và sân khấu. Bởi vậy, nhiều khi mệt nằm nghỉ ở nhà ngó qua camera thấy đám học trò đang chơi đùa, chọc giỡn nhau trong lớp học, không chịu được cũng lóp ngóp ngồi dậy, chạy đến với tụi nó. Thường ngày, dạy xong là 21h nhưng tôi cũng ngồi nán lại, nói chuyện, nghe tụi nhỏ kể chuyện đến 22h mới trở về nhà.
- Anh có thầy buồn khi người ta nói Minh Nhí đã hết thời. Bây giờ là thời của Trấn Thành, Trường Giang, Thu Trang, Xuân Nghị, Mạc Văn Khoa..?
- Không. Có gì mà buồn chứ. Đây là quy luật của nghệ thuật. Tre già măng mọc có gì lạ đâu. Hồi anh mới ra trường, chú Bảo Quốc, Duy Phương, Phú Quý lúc ấy đã nổi tiếng, ai ai cũng biết tới.
Sau đó, đến thế hệ của Thành Lộc, Việt Anh, Hữu Châu, Minh Nhí. Tiếp là Việt Cường, Phước Sơn, Kiều Oanh nổi lên. Sau này là Việt Hương, Tiết Cương, Thúy Nga rồi Trấn Thành, Trường Giang, Thu Trang. Một lứa thế hệ diễn viên đang nổi lên được giới trẻ yêu thích là Diệu Nhi, Xuân Nghị, Tuấn Dũng... Các diễn viên trẻ bây giờ có tài năng và đạo đức. Đứa nào gặp tôi cũng lễ phép chào hỏi.
Đến giờ, tôi vẫn thầm cảm ơn ông Tổ thương mình, vẫn cho mình làm nghề và được mọi người nhớ đến. Tôi rất buồn nếu bị quên lãng.
Minh Nhí mở sân khấu kịch và đào tạo diễn viên. |
- Sau 3 năm mở sân khấu kịch, việc kinh doanh của anh thế nào?
- Hiện tại, tôi, Hữu Châu, Thanh Thuỷ và Quốc Thảo là 4 cái tên chính đứng lớp để truyền thụ kinh nghiệm. Sân khấu kịch chỉ diễn thứ 7, chủ nhật thôi, có vở Tiếng vạc sành khán giả vẫn còn xem nhiều nên bán vé tốt.
Ngoài những vở kịch lừng danh ngày trước, tôi làm thêm những vở mới để thu hút người xem. Lượng khách đến trong 2 ngày cuối tuần cũng khá ổn định. Tôi đang mơ mộng có được một sân khấu lớn hơn, ở vị trí thuận lợi hơn. Vì sân khấu Minh Nhí hiện nay ở trong hẻm nhỏ, ít người biết, lại được 120 ghế.
Nếu có sân khấu lớn, tôi có thể sản xuất những chương trình hoành tráng hơn để học trò có đất diễn, tiếp cận khán giả và tỏa sáng.
- Trước những khó khăn của sân khấu kịch nhiều năm nay, anh đã có giải pháp gì để sân khấu Minh Nhí luôn “sáng đèn” và hút khán giả?
- Sân khấu kịch thành phố trong mấy năm nay lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Việc bán vé èo uột. Khán giả đi coi kịch rất ít, thưa thớt. Đó là tình trạng chung. Bởi vì giờ chỉ cần một cú click chuột là có thể xem mọi thứ trên YouTube, mạng xã hội... mà không tốn tiền. Chính vì vậy, khán giả chịu mua vé, đến tận sân khấu để coi là những người yêu kịch, bản thân tôi và các đồng nghiệp vô cùng trân trọng.
Ở sân khấu kịch Minh Nhí, tôi luôn ráng làm cho đàng hoàng, đầu tư chỉn chu vở diễn để khán giả tới xem không có cảm giác thất vọng. Vấn đề hiện nay là việc tìm kịch bản hấp dẫn, vừa có tính giải trí, vừa có tính giáo dục rất khó.
Nếu có kịch bản hay, chiều sâu sẽ thu hút được nhiều khán giả đến với sân khấu. Bản thân tôi cho rằng sân khấu có vị trí riêng trong đời sống nghệ thuật, không dễ gì có thể thay thế được.
Theo Zing.vn