Hơn chục năm nay,ệtmỏicơmnướcngàyTếtNguyênđánmẹchồngtruyềnthốngvàcảnhàđidulịmu vd từ ngày đi lấy chồng, Tết năm nào chị Nhung (Hà Nội) cũng đều đều “chạy sô” một chốn bốn quê nội ngoại ở Hải Phòng và Bắc Ninh, rồi trở lại nhà riêng ở Hà Nội. Suốt từ 30 Tết đến mùng 3, chị và mẹ chồng, mẹ đẻ đều mướt mải trong bếp lo cúng bái, cơm nước cho cả nhà.
Nhưng năm nay thì khác. Cả đại gia đình bên chồng chị quyết định chỉ làm cơm cúng gia tiên mùng 1 Tết. Sáng mùng 2, cả nhà xách vali lên đường đi du lịch.
“Từ trước Tết 1 tháng, chúng tôi đã chọn một khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình để cả nhà nghỉ ngơi dịp Tết này, giải phóng khỏi tất cả cơm nước, bếp núc bận bịu như mọi năm. Thành công lớn nhất của chuyến du lịch này là thuyết phục được bố mẹ chồng tôi đồng ý. Vì mẹ chồng tôi là mẫu phụ nữ truyền thống, năm nào bà cũng phải lo chuyện cúng kiếng, bếp núc rất chu đáo, đầy đủ” – chị Nhung tâm sự.
“Có lẽ năm nay bà cũng đã lớn tuổi, không muốn bản thân và các con phải quá vất vả mấy ngày Tết nữa nên đã đồng ý đề xuất của các con”.
Với quyết định này, Tết năm nay chị Nhung chỉ phải mua sắm chút hoa quả thắp hương, mua rất ít đồ ăn cho ngày mùng 1, không mua thực phẩm chật ứ tủ lạnh như mọi năm nữa. Hoa lá trong nhà cũng được chị giản tiện đi đáng kể, vì mùng 2 Tết cả gia đình đã ra khỏi nhà, gần như không có khách đến chơi.
Ban đầu, cả nhà định chọn Sa Pa để lưu trú, nhưng sau nhiều ngày liên hệ với các khách sạn tốt nhất đều nhận thông báo hết phòng, chị Nhung chọn Ninh Bình. “Lần đầu đi du lịch Tết, tôi cũng không nghĩ là lại cháy phòng như thế, chứng tỏ nhu cầu người dân đi du lịch dịp này cũng rất lớn” – chị Nhung chia sẻ.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, nhu cầu du lịch Tết năm nay có xu hướng giảm đáng kể so với năm ngoái. Thường chỉ có các khách sạn 4-5 sao, các khu nghỉ dưỡng là hết phòng bán lẻ, vì các đại lý du lịch đã “ôm” trước. Các khách sạn hạng thấp hơn đều còn dư nhiều phòng so với mọi năm.
Nhiều nhân viên kinh doanh du lịch cho biết, số lượng tour bán ra chỉ bằng khoảng 70% so với năm 2023. Điều này khá dễ hiểu khi Tết năm ngoái là thời điểm du lịch vừa mở cửa trở lại, người dân sau mấy năm phải “chôn chân” ở nhà rất háo hức được đi trải nghiệm, nghỉ ngơi.
Tuy vậy, Tết năm nay lại có một xu hướng mới, đó là du lịch nước ngoài có vẻ chiếm ưu thế. Anh Trịnh Ngọc Dương – nhân viên bán tour ở Thái Nguyên – cho biết, khá nhiều khách của anh chọn các tour nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan. “Một phần vì giá phải chăng - bằng, thậm chí rẻ hơn một số tour trong nước”.
Chị Dương Ngọc Anh – một nhân viên bán tour ở Hà Nội – cũng xác nhận điều này. “Khách đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhiều hơn khách đi trong nước. Khách chọn du lịch vào dịp Tết chủ yếu là người có quan điểm cởi mở, thường là những người kinh doanh, buôn bán tự do. Dân văn phòng chọn đi dịp này có vẻ ít hơn”.
Anh Trịnh Ngọc Dương cũng nhận ra một vài điểm chung của đối tượng khách hàng chọn đi du lịch dịp Tết. Khá bất ngờ, khách đi chơi dịp Tết chủ yếu là các gia đình.
“Khách của tôi vào dịp Tết thường là các gia đình 2-3 thế hệ, hoặc là 2 gia đình trẻ rủ nhau cùng đi. Mặc dù người độc thân, các cặp đôi luôn là đối tượng có tư tưởng phóng khoáng, thích đi chơi dịp Tết thay vì ở nhà, nhưng thực tế đối tượng này lại rất ít chọn tour ngày Tết”.
“Thêm nữa, khách ở khu vực miền Nam thường chiếm áp đảo so với khách miền Bắc, kể cả ngày thường lẫn ngày lễ, Tết” – anh Dương cho biết.
Nhân viên bán tour này cũng cho biết, cách chọn ngày đi du lịch dịp Tết của khách ở 2 miền cũng khác biệt đáng kể. “Khách trong Nam thì không kiêng dè ngày nào cả. Họ đặt rải rác cả tour trước Tết lẫn trong và sau Tết. Nhưng khách ngoài Bắc thì thường mùng 2 mới lên đường, để mùng 1 còn thắp hương, cúng bái xong xuôi”.
Quan sát nhu cầu của khách nhiều năm nay, anh Dương cho rằng, thực ra bây giờ tư tưởng đi du lịch Tết đã khá phổ biến, không còn xa lạ và bị đánh giá nhiều như trước nữa. “Tôi nhận thấy, nếu có điều kiện thì kể cả người lớn tuổi cũng vẫn đồng ý và thoải mái với việc đi du lịch dịp Tết. Vấn đề là khả năng kinh tế thôi, chứ không phải là về quan niệm nữa”.