Thị trường thận trọng hơn trong phiên giao dịch cuối tháng 9. Vừa mở cửa, dưới áp lực chốt lời, các chỉ số đều đã đồng loạt giảm. VN-Index vận động dưới ngưỡng tham chiếu trong hầu hết thời gian buổi sáng.
Tạm nghỉ trưa, VN-Index giảm 2,8 điểm tương ứng 0,22% còn 1.288,12 điểm; HNX-Index cũng giảm 0,52 điểm tương ứng 0,22% và UPCoM-Idex giảm 0,47 điểm tương ứng 0,51%.
Thanh khoản thị trường co hẹp so với các phiên gần đây. Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 389 triệu đơn vị tương ứng 8.156,12 tỷ đồng; trên HNX là 26,7 triệu cổ phiếu tương ứng 510,21 tỷ đồng và trên sàn UPCoM là 19,51 triệu cổ phiếu tương ứng 236,7 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm giá với 465 mã giảm trên 3 sàn so với 249 mã tăng. Trong đó có 11 mã giảm sàn và 9 mã tăng trần.
Thị trường hạ nhiệt thể hiện qua việc có nhiều mã cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh giá, như ACB, TCB, CTG, VCB, MBB, BID, HDB, LPB, NAB, STB tuy nhiên, mức giảm tại những mã này dưới 1%. Một số mã khác tăng, đáng chú ý là MSB tăng 3,2% với khớp lệnh 18,8 triệu đơn vị; EIB tăng 1,%, TPB tăng 0,9% và khớp lệnh 15,7 triệu đơn vị.
Phần lớn nhóm cổ phiếu trên thị trường xảy ra phân hóa, mức độ phân hóa không lớn. Tại nhóm ngành dịch vụ tài chính, có những mã giảm như APG, EVF, FIT song ngược lại có những mã tăng giá tích cực, chẳng hạn VDS tăng 3,2%; VCI tăng 2,2%; ORS tăng 1,9%; CTS, AGR, SSI, BSI, VND đều tăng tốt.
Phần lớn mã thuộc ngành bất động sản bị điều chỉnh. NVL có thời điểm giảm sàn nhưng mã này sau đó đã thoát sàn, hết phiên sáng mất 3,9% còn 11.100 đồng, khớp lệnh xấp xỉ 23 triệu đơn vị.
Các mã khác cùng ngành có mức điều chỉnh khá mạnh là TDC giảm 3,4%; SGR giảm 2,7%; PDR giảm 1,8%; HPX giảm 1,5%; DXS giảm 1,5% và DIG cũng giảm 1,5%.
Cổ phiếu thép được giao dịch tích cực và diễn biến giá khả quan. TLH tăng 3,1%; HSG tăng 1,7% và HPG tăng 1,5%. Trong đó, cổ phiếu HPG gây chú ý với khớp lệnh đạt 25 triệu đơn vị.
Ít ngày trước, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp lớn trong đó có Hòa Phát. Tại đây, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát - nhấn mạnh, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tổng vốn đầu tư 70 tỷ USD là một công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia.
Ông Long bày tỏ sự sẵn sàng của doanh nghiệp mà ông đang nằm trong HĐQT trong việc tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án và cho biết, 2-3 năm nay, tập đoàn đã nghiên cứu dòng sản phẩm này và khẳng định việc sản xuất thép đường ray hoàn toàn nằm trong khả năng của Hòa Phát.
Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý rằng, để làm đường ray có đặc thù, rất khó khăn trên thực tế. Trước đây Việt Nam làm đường sắt ray dài 20-25m, còn đường ray tàu cao tốc 150-200 km/h thì ray cần dài 50m. Đầu tư đường sắt tốc độ cao tới 350km/h thì đường ray bắt buộc phải dài 100m.
Trước đó, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 4, ông Long cũng đề cập đến tham vọng sản xuất đường ray cho tàu cao tốc trong giai đoạn 2 của dự án Dung Quất 2.