Việt Nam là nguồn phát tán nội dung bẩn trên YouTube,ốnloạibỏclipKháBảnhdoanhnghiệpcầnxemlạicáchquảngcáotrênmạbong da nhat ban Google
Tính đến tháng 5/2019, theo thông báo chính thức của Google gửi cho Bộ TT&TT, YouTube có 4 công ty mạng lưới đa kênh (MCN) tại Việt Nam là Yeah1, POPS, METUB, Điền Quân. Các công ty này quản lý khoảng 6.000 kênh YouTube Tiếng việt.
Theo đánh giá của Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT), nhìn chung các MCN quản lý khá tốt các kênh trong mạng lưới của họ.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT chia sẻ bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt |
Những công ty này nắm được đầy đủ thông tin chủ kênh (ID, tài khoản ngân hàng, mã số thuế,...) và có sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước. Khi xảy ra sai phạm, các MCN thường thực hiện ngay yêu cầu của cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn gỡ bỏ nội dung vi phạm và xử lý đối tượng vi phạm.
Tuy nhiên, hạn chế hiện nay của các MCN là chưa quản lý chặt chẽ nội dung do các chủ kênh trong mạng lưới đăng tải. Không chỉ vậy, các MCN cũng chưa nhận thức đầy đủ vai trò quản lý chặt chẽ nội dung trong mạng lưới đa kênh của mình.
Chính vì thế, hệ thống công ty mạng lưới đa kênh chưa phát huy được vai trò xây dựng những nội dung tích cực, lành mạnh trên YouTube, đồng thời còn có xu hướng chạy theo các nội dung vô bổ, ít tính giáo dục để câu view, câu like để từ đó nhận được nhiều tiền quảng cáo.
Sự nổi lên của nhóm Khá Bảnh là một minh chứng cho việc nguồn tiền quảng cáo của các doanh nghiệp Việt Nam đã vô tình trở thành "bầu sữa" nuôi dưỡng những nội dung xấu độc, thiếu kiểm soát trên Internet. |
Mặc dù vậy, qua rà soát của Cục PTTH&TTĐT, hiện YouTube đang trực tiếp quản lý khoảng 130.000 kênh video tiếng Việt. Cục PTTH&TTĐT nhận thấy các sai phạm trên YouTube chủ yếu đến từ chính nhóm kênh này.
Kết quả rà soát này cũng có nhiều điểm tương đồng với báo cáo của YouTube. Trong một báo cáo gửi tới Bộ TT&TT, mạng xã hội chia sẻ video này cho rằng, YouTube phát hiện ra rất nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam. Đáng chú ý khi chúng được làm ra chủ yếu bởi các nhà sáng tạo nội dung Việt.
Các sai phạm chủ yếu của những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube tại Việt Nam là đăng tải những video clip có nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng, cổ vũ cờ bạc, sử dụng chất ma túy, nội dung gây hại cho trẻ em và những clip chứa nội dung sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền.
Doanh nghiệp quảng cáo nên ưu tiên hơn cho các nội dung sạch
Một trong những lý do khiến nội dung bẩn trên mạng phát triển ồ ạt thời gian gần đây đến từ việc các doanh nghiệp chưa có thói quen chấp nhận trả nhiều tiền quảng cáo hơn cho các nội dung sạch.
Từ kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCorp cho rằng, các quảng cáo trên những nền tảng chính thống như VOV và VTV nếu quy ra hiệu quả kinh doanh thường phải mất tới 20-22.000 đồng cho mỗi lượt view (lượt xem). Ở góc nhìn của người mua quảng cáo, họ cho rằng số tiền này quá cao, do vậy nhiều doanh nghiệp có xu hướng chỉ thích chi tiền quảng cáo vào những nội dung xấu.
Theo ông ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCorp, các doanh nghiệp quảng cáo nên tập thói quentrả nhiều tiền hơn cho các nội dung sạch, quan tâm nhiều hơn tới chất lượng thay vì số lượng view. Ảnh: Trọng Đạt |
Ông Nguyễn Thế Tân cho biết, chính bản thân mình đã từng nhiều lần giải thích với người mua quảng cáo, rằng quan trọng không phải số lượng view mà phải xem view đó là ai.
Nếu view đến từ những quan chức cao cấp, những người thành đạt thì giá trị của nó không thể giống với những view từ clip Khá Bảnh được. Do vậy, doanh nghiệp mua quảng cáo cần phải chấp nhận mức giá khác nhau tùy theo chất lượng của view.
Theo CEO VCCorp, những người chạy quảng cáo giỏi nên tập trung vào chất lượng view thay vì số lượng. Thực tế cho thấy, những thương hiệu lớn như Samsung, Nestle đã bắt đầu quan tâm đến điều này khi chuyển sang mua dịch vụ brand safely (an toàn thương hiệu) nhiều hơn. Các công ty lớn cũng đang cố gắng mua quảng cáo trên các nền tảng Việt Nam nhiều hơn nhằm giảm sự phụ thuộc vào Google.
Với dịch vụ brand safely, quảng cáo của các doanh nghiệp sẽ không được đặt cùng với các nội dung chính trị, các thông tin mang tính giật gân như “cướp giết hiếp”, không có hình ảnh ghê rợn,...
Các công ty này sẽ trả thêm 20% phí quảng cáo và 40% cho đơn vị sản xuất ra lượt view. Tổng cộng lại, các hãng lớn chấp nhận trả thêm khoảng 60% so với giá tiêu chuẩn để thương hiệu của mình được an toàn. Đây là một phương án mà các doanh nghiệp lớn nên xem xét để góp phần loại bỏ các nội dung bẩn.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các công ty quảng cáo hiện vẫn coi lượng view là King (lượt xem là vua), tuy nhiên quan trọng hơn phải là chất lượng view. Ảnh: Trọng Đạt |
Chia sẻ về vấn đề này, tại buổi làm việc nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ luật pháp tốt hơn so với YouTube, Google. Do vậy, các doanh nghiệp đang kinh doanh tại Việt Nam nên mua quảng cáo nhiều hơn trên các nền tảng Việt Nam.
Với các công ty quảng cáo, bây giờ chỉ có view là king (lượt xem là vua), nhưng quan trọng phải là chất lượng view. “Chúng ta mua quảng cáo trên các nền tảng sạch tức là đã giúp cho đất nước sạch hơn, giúp các công ty sạch phát triển. Mua quảng cáo trên một nền tảng chứa nội dung xấu độc vô hình chung trở thành tiếp tay làm bẩn không gian mạng nước mình, làm hại đất nước mình.”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo người đứng đầu ngành TT&TT, tương lai không gian mạng Việt Nam có tốt đẹp hay không đến từ chính việc chi tiền quảng cáo của các doanh nghiệp trên các nền tảng nội dung số. Về phần mình, Bộ TT&TT sẵn sàng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để phát huy tối đa tiềm lực doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam vững mạnh, an toàn.
Trọng Đạt