Chiều 12/8,ắcsởităngnhanhlãnhđạoSởYtếTPHCMyêucầuxửlýngườiantivắty so ajax Sở Y tế TPHCM đã có cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn để thống nhất các giải pháp phòng chống dịch sởi.
Tại cuộc họp, bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM - cho biết, đầu năm, TPHCM không ghi nhận ca sởi dương tính nào. Tuy nhiên chỉ trong gần 3 tháng (từ 23/5 - 11/8), các bệnh viện trên địa bàn đã có tới 597 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 346 ca dương tính.
Tính riêng các trường hợp có địa chỉ tại TPHCM, đã có 153 ca tại 57 phường xã của 16 quận, huyện, trong đó 9 địa phương có từ 2 ca mắc sởi trở lên, đủ điều kiện để công bố dịch.
Đáng lo ngại, có đến 73% trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên chưa được tiêm vắc xin ngừa sởi, toàn thành phố không có quận, huyện nào đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin 95% để đảm bảo miễn dịch cộng đồng.
“Có nhiều quận huyện 4 năm liên tiếp không đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% như quận 5, quận 8, quận 11, huyện Củ Chi, TP Thủ Đức... do vậy không ngăn chặn được sự tấn công của dịch” – bà Nga nói.
Vẫn theo chuyên gia này, qua giám sát, có những nơi gần 40% trẻ sinh sống trên địa bàn không nằm trong danh sách được quản lý, chủ yếu là dân nhập cư. Điều này dễ dẫn đến bỏ sót một số lượng không nhỏ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, sởi lây qua đường hô hấp, trung bình 1 người mắc bệnh sẽ lây cho 12-18 ca khác, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ lây của Covid -19 (trung bình 1 ca lây từ 2-5 người).
Bệnh sởi thông thường sẽ tự khỏi, không có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng một số trường hợp có diễn tiến nặng như viêm phổi, viêm não... đặc biệt đối với trẻ suy dinh dưỡng, trẻ mắc bệnh nền.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng yêu cầu các đơn vị triển khai ngay các giải pháp để tăng miễn dịch cộng đồng, đó là tiêm vét, tiêm bù cho trẻ; tiêm vắc xin cho nhân viên y tế, thân nhân chăm sóc bệnh của 3 bệnh viện Nhi đồng và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Bên cạnh đó, phải bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, bởi nhóm này nếu mắc sởi dễ dẫn đến tử vong.
Đáng nói, Giám đốc Sở Y tế giao thanh tra sở và tổ công tác đặc biệt chủ động phát hiện những cá nhân anti vắc xin (chống vắc xin - nếu có) để làm rõ và xử lý nghiêm những tuyên truyền sai trong cộng đồng.
Về việc này, theo BS CK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, vẫn còn không ít gia đình chống đối việc tiêm vắc xin. “Họ đưa con mắc sởi đến bệnh viện để khám, khi được tư vấn, giải thích, vẫn quyết từ chối tiêm vắc xin cho những thành viên còn lại” – bác sĩ Quy nêu thực tế.
Sau cuộc họp lấy ý kiến chuyên gia ngày 29/7, Sở Y tế đã có tờ trình UBND TPHCM về việc xin ý kiến chỉ đạo một số nội dung liên quan đến kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh, trong đó có đề xuất thành phố công bố dịch sởi (bệnh truyền nhiễm nhóm B theo luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm). Từ đó, các địa phương cùng ngành y tế có cơ sở triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, mua sắm thuốc (bao gồm cả vắc xin), sinh phẩm, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. |