Trường đại học,Đạihọcnghìntỷbongdaso.wap bên cạnh chức năng xã hội, có thể coi là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục. Ở khía cạnh đó, lợi nhuận, chứ không phải doanh thu, mới là thước đo hiệu quả hoạt động kinh doanh. Thông tin về lợi nhuận của các "doanh nghiệp đại học" này không được công bố, nhưng nguồn thu nghìn tỷ đồng của Top 10 vẫn rất ấn tượng và mang lại tín hiệu tích cực.
Ít nhất, trong ngành giáo dục đại học, Việt Nam đã có những đơn vị được ví như "doanh nghiệp triệu đô". Với khoảng 400 trường đại học - cao đẳng, số lượng 10 trường có doanh thu lớn như năm vừa rồi không phải là nhiều, nhưng nó có thể tạo thành động lực phát triển cho những đơn vị còn lại trong cùng lĩnh vực.
Khía cạnh tích cực khác, là khi doanh thu tăng lên, ta có quyền kỳ vọng các khoản chi cũng được tăng lên. Nhiều khoản chi có thể đã được dự trù tăng từ lâu nhưng bị khống chế khi nguồn thu không đủ. Vì thế khi doanh thu tăng trưởng, sự lạc quan là điều tất yếu bởi những trói buộc tài chính đã được tháo gỡ. Trong các trường đại học tự chủ tài chính, nhiều năm qua, thu nhập của người lao động đã tăng đáng kể. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với 23 trường thực hiện tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1% và cán bộ quản lý tăng 24,5%.
Nhà trường cũng sẽ được rộng tay hơn với các khoản tái đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, phục vụ trực tiếp việc học tập và nghiên cứu của sinh viên. Vẫn tiếp tục viễn cảnh lý tưởng đó, quy mô và mức học bổng cũng sẽ có cơ hội mở rộng và tăng lên... Có nhiều tiền hơn, trường học chắc chắn có điều kiện hiện thực hóa được nhiều tham vọng tốt đẹp hơn.
Trường đại học "ngày càng giàu", kéo theo thu nhập của người lao động tăng lên, điều kiện học tập của sinh viên tốt hơn..., chúng ta còn mong đợi điều gì hơn nữa?
Phân tích cấu thành doanh thu sẽ giúp người ta đánh giá cơ hội và rủi ro của hoạt động kinh doanh, dẫn đến những chiến lược phát triển bền vững hơn. Trong số các trường có doanh thu nghìn tỷ đồng, 5 trường đã công bố cụ thể nguồn thu. Theo đó, nguồn học phí chiếm tỷ lệ từ 62% (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho đến 98% (Trường Đại học Công nghệ TP HCM) tổng doanh thu của mỗi trường. Nguồn thu của các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn với chỉ xấp xỉ 0,8% (Đại học Bách khoa Hà Nội) hoặc cao nhất 4,4% (Trường Đại học Bách khoa TP HCM). Trong số ba trường công lập, tỷ lệ giữa nguồn thu từ ngân sách nhà nước đầu tư so với nguồn thu từ học phí lần lượt chỉ là 4,2% (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), 15,22% (Trường Đại học Bách khoa TP HCM) và 21,6% (Đại học Bách khoa Hà Nội).
Theo Khoản 2 Điều 28 Luật Giáo dục Đại học 08/2012/QH13, bên cạnh công tác đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ cũng như hợp tác quốc tế là những nhiệm vụ của trường đại học. Tuy nhiên, các thống kê trong cơ cấu nguồn thu nêu trên cho thấy sự chênh lệch trong hoạt động đào tạo và hoạt động liên quan khoa học công nghệ. MIT - trường đại học công nghệ hàng đầu của nước Mỹ - có doanh thu mỗi năm lên đến hàng tỷ USD. Trong đó, học phí chiếm khoảng vài trăm triệu USD - tức khoảng vài chục phần trăm tổng doanh thu.
Ngoài ra, tỷ lệ nguồn thu từ ngân sách nhà nước quá thấp cũng là một bất cập. Các trường đại học đóng vai trò là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ toàn bộ nền kinh tế nước nhà. Dù hoạt động với cơ chế tự chủ tài chính, nhà nước vẫn phải đóng vai trò một cổ đông lớn, có tiếng nói quan trọng với các hoạt động đào tạo của nhà trường. Đại học Bách Khoa Hà Nội, trường Đại học Bách khoa TP HCM và trường Đại học Kinh tế Quốc dân là ba trường công lập có bề dày lịch sử và chất lượng trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực của nước nhà nhưng người học lại đóng vai trò cổ đông lớn.
Theo Bộ Tài chính, năm 2020 ngân sách cho giáo dục đại học ở Việt Nam chiếm 0,27% GDP (gần 17.000 tỷ đồng). Tỷ lệ này là thấp nhất so với các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) - trung bình 0,935%.
Trường tôi đang giảng dạy tại Pháp có mức học phí khá cao nhưng nguồn thu từ học phí cũng chỉ chiếm hai phần ba chi phí đào tạo, phần còn lại được đầu tư bởi ngân sách nhà nước. Ngoài ra nhà nước cũng đóng góp thêm vào nguồn thu của nhà trường một cách gián tiếp. Việc này được điều chỉnh bằng các chính sách thuế đối với những công ty có đóng góp vào quỹ đào tạo của nhà trường.
Vì vậy, bên cạnh tín hiệu lạc quan về doanh thu, cơ cấu nguồn thu hiện tại của các trường đại học ở Việt Nam gây lo ngại vì mất cân bằng. Ở mức độ vi mô, nhà trường cần đẩy mạnh các nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. Ở cấp độ vĩ mô, nhà nước cần tăng mức tài trợ bằng ngân sách công một cách trực tiếp (rót thẳng ngân sách) hoặc điều chỉnh bằng các chính sách thuế.
Trường đại học doanh thu lớn với tôi chắc chắn là tin vui hơn chuyện các doanh nghiệp xổ số lãi khủng. Nhưng xa hơn, Việt Nam cần một sự phát triển bền vững cho các nhà trường cũng như cho việc đào tạo nguồn nhân lực quốc gia.
Học phí chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, sẽ mâu thuẫn với mức sống của người dân, dễ tạo ra bất bình đẳng trong giáo dục, hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục đại học của người có thu nhập thấp. Đây là thực tế cần thay đổi. Bởi dấu hiệu này cảnh báo hai điều ít mang tính lạc quan: Gánh nặng về chi phí đào tạo được đẩy hoàn toàn về phía các gia đình, trong khi khả năng tạo ra giá trị cho xã hội từ hoạt động đào tạo và nghiên cứu của trường đại học chưa cao.
Võ Nhật Vinh