2 quy chế quan trọng về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ cuối cùng cũng đã được ban hành trong sự chờ đợi đến… mỏi mòn của thí sinh, phụ huynh tới các nhà trường.
Ngoài việc giải quyết khâu tuyển sinh năm 2015, các quy chế này sẽ tác động như thế nào tới sự thay đổi này với giáo dục đại học, giáo dục phổ thông?
Liệu sự ra đời của các quy chế có tốt hơn cho giáo dục đại học, để các trường có thời gian tập trung vào khâu yếu là đào tạo, thay vì bao nhiêu năm nay cứ quanh quẩn mãi chuyện tuyển sinh?
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014 (Ảnh Văn Chung) |
"Nói thật là tôi chưa thấy giảm tải"
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa HN. “Lãnh đạo Bộ có nói là phương thức thi mới sẽ giảm tải cho thí sinh – điều này có thể đúng. Nhưng đối với nhà trường chúng tôi, thì đau đầu từ khi có chính sách mới tới giờ”.
Trường ĐH Bách khoa HN là một trong những trường dự kiến sẽ được Bộ GD-ĐT giao cho chủ trì một cụm thi. Tuy nhiên, điều mà lãnh đạo trường này lo lắng không phải là khâu tổ chức, mà là chất lượng những thí sinh sẽ xét tuyển vào trường. “Trường ĐH Bách khoa HN chắc chắn sẽ tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng tôi lo nhất là chất lượng đầu vào. Việc các cụm thi do nhiều cơ sở đào tạo chủ trì khiến tôi lo ngại về sự đồng đều của kết quả thi. Tất nhiên, kết quả này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là tính nghiêm túc”.
Ông Điền phân tích: “Chất lượng đầu vào là yếu tố quan trọng để dẫn tới những đổi mới trong quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Trường chúng tôi cần lứa sinh viên chăm chỉ, có khả năng nhận thức tốt, để khi đào tạo sẽ tiếp thu tốt những chương trình mới, các thức đào tạo mới mà trường sẽ triển khai.
Tuy nhiên, câu trả lời về việc tuyển sinh theo kiểu mới có đáp ứng được yêu cầu của nhà trường hay không chỉ có thể chờ tới lúc tổng kết quá trình tuyển sinh, cũng như quá trình đào tạo sau này”.
Ông Nguyễn Văn Nhã, hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi, nguyên trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia HN, thì nhận xét: “Chúng ta vẫn thường nói: Thi gì học nấy! Nếu đổi mới thi cử tốt, có chất lượng thực sự thì kéo theo phải thay đổi cach dạy, cách học; thay đổi chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học…