Cán bộ,ắpxếptổchứcbộmáytinhgọnNhữngkếtquảbướcđầkq ngoại hạng anh tối qua công chức tại Trung tâm Hành chính công tỉnh tận tình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: H.VĂN
Từ quyết tâm chính trị
Xác định việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, nên sau khi có Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương, Tỉnh ủy đã nhanh chóng quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, trước khi có Nghị quyết 18, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ CBCCVC và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong đó, việc thực hiện mô hình sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy phường Lái Thiêu, TP.Thuận An (đơn vị thực hiện thí điểm trên địa bàn tỉnh) đã mang lại kết quả tốt, trở thành hình mẫu để các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh học tập. Qua gần một năm thực hiện Đề án thí điểm sắp xếp, tinh gọn đội ngũ CBCCVC và người hoạt động không chuyên trách của phường Lái Thiêu, nhờ làm tốt công tác quán triệt nên đã tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, cấp ủy các xã, phường, nhất là trong hệ thống chính trị của phường Lái Thiêu. Sau sắp xếp bộ máy theo đề án, Đảng ủy, UBND phường Lái Thiêu đã đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, bảo đảm cho hoạt động bộ máy không bị xáo trộn, chậm trễ do thiếu nhân lực; đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.
Từ những kết quả tích cực sau khi thực hiện mô hình sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy phường Lái Thiêu và căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/ TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đầu năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 43-KH/TU để triển khai thực hiện. Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Đề án 711).
Để nhanh chóng hiện thực hóa chủ trương này, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy đã tổ chức học tập, quán triệt, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể cơ sở tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện đề án nhằm tạo sự quyết tâm, thống nhất cao trong hệ thống chính trị và đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, Ban Thường vụ cấp huyện đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bám sát yêu cầu, mục tiêu, các nội dung theo Đề án 711 của tỉnh để xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của đơn vị, địa phương mình.
Đến hiệu quả bước đầu
Với những cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, việc thực hiện Kế hoạch 43 và Đề án 711 trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực. Bộ máy của toàn hệ thống chính trị tỉnh đã và đang được sắp xếp theo hướng tinh gọn, tiếp tục hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức quán triệt nghiêm túc quan điểm, yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Kế hoạch 43 và Đề án 711. Song song đó là việc chủ động xây dựng đề án ở từng ngành, từng cấp cơ bản đạt yêu cầu đề ra; tư tưởng, nhận thức của đảng viên, CBCCVC, người lao động đối với chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã chuyển biến tích cực, nhân dân đồng thuận cao.
Qua bước đầu thực hiện đã mang lại kết quả tích cực, tổ chức bộ máy ở nhiều cơ quan đơn vị được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn hơn. Việc bố trí, sắp xếp CBCCVC của các cơ quan, đơn vị cơ bản phù hợp với trình độ chuyên môn, vị trí việc làm, tạo điều kiện phát huy năng lực, sở trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Tính đến nay, tỉnh đã giảm 37 phòng, 4 chi cục, 17 đơn vị sự nghiệp thuộc sở.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện toàn tỉnh có 12/91 (tỷ lệ 13,18%) đơn vị đã thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, 37/91 (tỷ lệ 40,67%) đơn vị đã thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND. Thực hiện các chức danh kiêm nhiệm: Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ, có 52/91 (tỷ lệ 57,14%) đơn vị thực hiện; mô hình Phó Chủ tịch HĐND kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, có 15/91 (tỷ lệ 16,48%) đơn vị thực hiện. Ở cấp xã, sau khi thực hiện định hướng 28 chức danh theo Đề án 711, số CBCCVC và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã giảm đến 606 người, đạt tỷ lệ giảm 15,9%. Cụ thể, trước khi thực hiện đề án, số CBCCVC và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã toàn tỉnh là 3.803 người, sau khi thực hiện đề án đến tháng 6-2019 còn 3.197 người.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, việc sắp xếp đội ngũ CBCCVC và người hoạt động không chuyên trách cấp xã là sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, được thống nhất từ chủ trương, tổ chức tuyên truyền rộng rãi, quán triệt rõ mục đích, yêu cầu của việc thực hiện đề án. Sau khi thực hiện rộng khắp trong tỉnh, số lượng CBCCVC và người hoạt động không chuyên trách giảm rõ rệt. Nhờ đó, mỗi CBCCVC kiêm nhiệm nhiều chức danh nên có điều kiện rèn luyện, nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm tạo sự chuyển biến tích cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là một việc khó, ảnh hưởng trực tiếp tới cơ quan, đơn vị và nhiều cán bộ, đảng viên, do vậy mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận song ở một số đơn vị vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Quyết định 711 của tỉnh.
Tại hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả và một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, do Tỉnh ủy tổ chức mới đây, đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đề nghị các ngành có liên quan tính toán, thể chế hóa những quy định chung về số lượng CBCCVC và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cụ thể số lượng ở từng đơn vị hành chính cấp xã có mức độ phát triển tương đồng và tính đặc thù. Thực hiện phân cấp quản lý bộ máy và biên chế CBCCVC cho cấp ủy và cơ sở nhưng phải bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo và phù hợp với điều kiện thực tế, có tính đồng bộ trong từng khu vực. Trong thực hiện Đề án 711 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp, các ngành cần phải chủ động, linh hoạt và quyết đoán hơn nữa để triển khai thật sự có hiệu quả.
Có thể nói, những kết quả bước đầu trong thực hiện đổi mới sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18 là nỗ lực đáng ghi nhận của cấp ủy các cấp và các ngành liên quan từ tỉnh đến cơ sở. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới các đơn vị, địa phương tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương.
TRÍ DŨNG