Một buổi tối trời mưa tầm tã,ợchồnglượmvechaiđếngiờsángxúcđộngnhậngóiquàtiếpsứkqbd mc hom nay vợ chồng chị Nga đành phải nghỉ lượm ve chai sớm hơn thường lệ. Trở về phòng trọ, nghe tin gói quà của chương trình Tiếp sức đẩy lùi đại dịch cùng VietNamNet đã đến nơi, vợ chồng chị nghẹn lại vì xúc động. Cầm gói quà trên tay, dù quần áo hãy còn dấp dính nước mưa khiến họ run lên vì lạnh, nhưng trong lòng như được sưởi ấm.
Vợ chồng chị Nga quê ở Vĩnh Phúc. Bởi không có mấy đất đai, chẳng đủ để chăn nuôi, trồng trọt, vợ chồng chị phải đi làm mướn. Ở quê, dù chăm chỉ làm việc nhưng thấy cuộc sống cứ mãi chật vật, họ đành gửi lại 3 con thơ cho cha mẹ già, rồi theo những người đồng hương vào thành phố tìm cách mưu sinh.
Người dân xóm ve chai vui mừng nhận quà của chương trình Tiếp sức đẩy lùi đại dịch cùng VietNamNet. |
Sau một thời gian đi làm công nhân, chị Nga xin nghỉ để cùng chồng đi lượm ve chai, cái nghề mà rất nhiều người trong xóm trọ đang làm. Chị tâm sự, công việc này tuy có phần nhếch nhác và phải chịu khó, làm dài thời gian, nhưng phù hợp với sức khỏe của người chồng ốm yếu của chị. Thêm nữa, mỗi lần cha mẹ già hay con cái đau ốm, vợ chồng chị vẫn có thể tranh thủ về thăm mà không vướng bận gì.
Mỗi tháng, ngoài tiền đóng trọ và ăn uống, họ tích cóp, gửi về quê khoảng 3 triệu đồng để phụ tiền ăn học của các con, vì vậy gần như chẳng dư được đồng nào.
Hơn 4 tháng thất nghiệp vì dịch Covid-19, cả 2 vợ chồng chị không có một đồng thu nhập. Dù được địa phương quan tâm, nhận được cả 3 đợt tiền hỗ trợ trong mùa dịch với tổng số tiền là 5 triệu đồng, nhưng chẳng thấm là bao trong khoảng thời gian dài đằng đẵng chờ đợi. Họ phải vay mượn ở quê để có tiền cho cha mẹ và con cái sinh hoạt.
Đầu tháng 10, thành phố nới lỏng, vợ chồng chị lập tức bắt đầu lại với công việc. Những ngày không mưa, họ đi lượm đến 1-2 giờ sáng mới nghỉ.
“3 đứa nhỏ ở quê đi học tốn kém lắm, với cả chúng tôi đang cố gắng đi làm để trả nợ đã vay trong đợt dịch. Còn vài tháng là Tết, vợ chồng tôi phải tranh thủ làm từng ngày để bù lại thôi, cũng chẳng biết Tết này có đủ tiền về quê hay không”, chị Nga bùi ngùi.
Nhiều lao động làm tại các công ty vẫn chưa thể đi làm trở lại. Họ vẫn cần bàn tay tiếp sức trong giai đoạn "bình thường mới". |
Ở xóm trọ ve chai ấy phần lớn đều đã đi làm trở lại giống như vợ chồng chị Nga. Dù họ vẫn sợ dịch bệnh, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, họ tự động viên chính mình “đã được tiêm 2 mũi vắc xin rồi thì chắc không sao”.
Cũng ở trong xóm trọ, hoàn cảnh chật vật không kém vợ chồng chị Nga là gia đình chị Lê Thị Hòa. Bởi đứa con út mắc bệnh động kinh từ lúc mới sinh ra nên chị Hòa phải nghỉ hết mọi việc để chăm sóc con suốt 3 năm qua. Đứa con lớn phải gửi về quê nhờ cha mẹ đỡ đần. Một mình chồng chị Hòa đi làm nhưng chẳng lo xuể quá nhiều chi phí.
Thỉnh thoảng, con trai lại phải nhập viện cấp cứu khiến gia đình chị khốn đốn. Vừa rồi, cậu bé phải nhập viện vì viêm phổi, ở viện theo dõi và điều trị hơn 10 ngày mới về, chị rất bất ngờ khi được hàng xóm đăng ký hộ gói lương thực thực phẩm của chương trình Tiếp sức đẩy lùi đại dịch của Báo VietNamNet.
Đợt này hội đồng hương tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hỗ trợ đưa người dân gặp khó khăn về quê, nhưng chị Hòa không dám đưa con về, sợ nửa đường con lên cơn co giật thì không biết làm sao để cứu. Trong cảnh thiếu thốn, nhận được quà ngay khi con trai xuất viện, chị nghẹn ngào: “Tôi và người dân trong xóm trọ xin cảm ơn Quý báo và các nhà hảo tâm nhiều lắm. Trong suốt mùa dịch đến nay, nhờ những tấm lòng bao dung của mọi người, chúng tôi mới có thể cầm cự được”.
Khánh Hòa
Tiếp tục chương trình Tiếp sức đẩy lùi đại dịch cùng VietNamNet, báo VietNamNet đã trao nhiều phần quà đến các hộ gia đình khó khăn và những người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại TP Hà Nội.