Lễ khai trương nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin vừa diễn ra ngày 21/11 trong khuôn khổ phiên toàn thể hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 chủ đề “An toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia”.
Sử dụng thường xuyên, liên tục các nền tảng hỗ trợ đảm bảo an toàn thông tin do Bộ TT&TT cung cấp, là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, tại chỉ thị 09 về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Với việc cho ra mắt nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin, đến nay Bộ TT&TT đã cung cấp 5 nền tảng số giúp các bộ, ngành, địa phương trong triển khai công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Bốn nền tảng số đã được đưa vào vận hành trong giai đoạn trước gồm có: Nền tảng quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; nền tảng hỗ trợ điều phối, ứng cứu sự cố; nền tảng hỗ trợ điều tra số; và nền tảng quản lý, phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro an toàn thông tin.
Chia sẻ về lý do thiết lập và cung cấp nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho hay, từ cuối năm 2021, Việt Nam đã khởi động quá trình chuyển đổi từ hình thức diễn tập theo kịch bản có sẵn sang thực chiến trên hệ thống thực đang hoạt động.
Sự thay đổi này nhằm tạo điều kiện để đội ngũ ứng cứu sự cố tại các cơ quan, tổ chức có thể rèn luyện khả năng xử lý tấn công mạng trên hệ thống thực tế, đưa toàn bộ quy trình, công nghệ và con người tham gia vào hoạt động diễn tập.
Theo thống kê, riêng trong năm 2023, gần 100 đợt diễn tập thực chiến đã được tổ chức, cả ở quy mô quốc gia và các diễn tập đơn lẻ ở bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Qua đó, đã phát hiện gần 1.500 lỗ hổng bảo mật, bao gồm hơn 900 lỗi nghiêm trọng và cao, thu hút khoảng 7.000 chuyên gia tham gia. Đồng thời, kỹ năng chuyên môn của các cán bộ kỹ thuật và năng lực phòng thủ cho các cơ quan, tổ chức đã được cải thiện.
Tuy vậy, khoảng cách lớn về hiệu quả diễn tập an toàn thông tin giữa các cấp vẫn tồn tại, trong khi nhiều cơ quan phải đối mặt với hạn chế về nhân lực, công cụ, kinh phí và năng lực đảm bảo an toàn thông tin.
Để giải quyết thách thức trên, Cục An toàn thông tin đã triển khai nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin, cung cấp miễn phí kho tri thức và thông tin cần thiết hỗ trợ hoạt động diễn tập.
Theo đại diện Cục An toàn thông tin, nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin không chỉ giúp quản lý và tổ chức hoạt động diễn tập một cách chuyên nghiệp, mà còn số hóa quy trình, chuẩn hóa kỹ thuật, và kết nối các chuyên gia với tổ chức an toàn thông tin.
“Với nền tảng số mới ra mắt, Cục An toàn thông tin hướng tới nâng cao chất lượng và điều phối hiệu quả các hoạt động diễn tập an toàn thông tin mạng trên toàn quốc”,đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ.
Thông tin thêm với phóng viên VietNamNet, đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - VNCERT/CC cho biết, sắp tới Cục An toàn thông tin sẽ hướng dẫn sử dụng nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin cho các bộ, ngành, địa phương cùng tổ chức, doanh nghiệp trong mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.
Năm 2024 là năm thứ 17 hội thảo - triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam chủ trì tổ chức. Bên cạnh phiên hội thảo toàn thể chủ đề “An toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia”, sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 còn có 1 tọa đàm và 3 hội thảo chuyên đề. Các chủ đề được tập trung bàn thảo tại tọa đàm và các phiên chuyên đề gồm: Phòng chống thất thoát dữ liệu và lửa đảo trực tuyến; ứng dụng AI bảo đảm an toàn thông tin trong những ngành kinh tế trọng yếu; bảo vệ dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số; đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. |