Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.
Sáng 10-10,ạcPhiênhọpthứcủaỦybanThườngvụQuốchộti so ma cao tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 16.
Chủ trì, phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20-10 tới đây.
Diễn ra trong 3 ngày, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định một số vấn đề quan trọng.
Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và tài chính ngân sách năm 2022; dự kiến mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, trong đó có nội dung phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu.
Kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội sẽ quyết định Kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn 3 năm giai đoạn 2023-2025 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, trong đó có liên quan đến tỷ lệ điều tiết ngân sách của các tỉnh, thành phố; các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, cân đối tài khóa, bội chi, nợ công, chỉ tiêu trả nợ...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt tinh thần và kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đồng thời căn cứ thực tiễn ở các địa phương và chức năng, nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia trong từng ngành, lĩnh vực để cho ý kiến đánh giá sâu sắc về vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý các đại biểu căn cứ kết quả Diễn đàn Kinh tế-Xã hội mà Quốc hội vừa tổ chức, cập nhật tình hình trong nước và quốc tế... để cho ý kiến đánh giá những kết quả, thành tựu nổi trội của năm 2022, những vấn đề còn tồn tại, yếu kém, vướng mắc, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm, đặc biệt là cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp cho năm 2023, trong điều kiện tình hình khu vực và thế giới còn diễn biến rất phức tạp.
Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Ban Dân nguyện về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Nội dung này sẽ được kết hợp với việc xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9-2022.
Nhóm vấn đề thứ ba là một số nội dung Chính phủ đề xuất bổ sung phát sinh từ phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường kỳ tháng 9-2022 đến nay gồm việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV; kết quả công tác thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa hỗ trợ cho người dân, cho doanh nghiệp và phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh; báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Cùng với đó, Chính phủ kiến nghị đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án BOT. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trên cơ sở báo cáo, tờ trình của Chính phủ, các đại biểu cho ý kiến kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đối với vấn đề này.
Về một số nội dung khác, Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Kỳ họp thứ 4 và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Bộ Nhận diện Quốc hội Việt Nam. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần cuối đối với nội dung, chương trình của Kỳ họp thứ 4.
Nhấn mạnh thời gian làm việc của Phiên họp chỉ có ba ngày, trong đó có những nội dung rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, khí thế như các phiên họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, đóng góp ý kiến liên tục, sôi nổi.
Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan bố trí tham gia theo thẩm quyền, chức trách được giao, để đảm bảo phiên họp hoàn tất nội dung và thành công tốt đẹp, chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ họp thứ 4./.
Theo TTXVN