Đế quốc Mỹ huênh hoang,ămcuộcđốiđầutrênkhôtỉ số giải đức tuyên bố rằng, khi B-52 vào đánh Hà Nội thì hệ thống nhiễu điện tử sẽ vô hiệu hóa toàn bộ lực lượng phòng không Việt Nam. Nhưng thực tế, chúng đã bị những con mắt thần radar của chúng ta phát hiện.
Trong cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận năm 1972, đế quốc Mỹ đã huy động sử dụng máy bay B-52. Cùng với tàu ngầm hạt nhân, tên lửa vượt đại châu, đây là một trong 3 vũ khí tiến công chiến lược của đế quốc Mỹ. B-52 có tốc độ tối đa 960km/giờ. Có thể bay liên tục 9 giờ mà không cần tiếp dầu. Ngoài ra, B-52 có thể mang tới 30 tấn bom, lại được trang bị súng máy, tên lửa, các phương tiện dẫn đường và hệ thống gây nhiễu cực mạnh. Cùng với đó, B-52 được bảo vệ bằng hàng rào máy bay tiêm kích vây quanh. Vì thế, B-52 được người Mỹ gọi là “Siêu pháo đài bay” bất khả chiến bại. Chúng ta đã làm cách nào để phát hiện và tiêu diệt B-52?
Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược đường không Linebacker II (Ảnh: TTXVN)
Năm 1965, đế quốc Mỹ lần đầu tiên sử dụng máy bay B-52 ở Việt Nam, đánh phá khu vực Bến Cát, Bình Dương. B-52 có hệ thống bảo vệ, chống nhiễu dày đặc, khi bay ném bom, B-52 có hàng nghìn bó nhiễu với hàng triệu sợi kim loại bay lơ lửng, giăng kín bầu trời, tạo thành một bức từng nhiễu chắn ngang mọi cánh sóng radar. Cùng với đó là hệ thống nhiễu giả. Những máy bay F4 và F111 bay thăng bằng, tốc độ ổn định giống như B-52, cùng phát nhiễu, tạo thành một dải nhiễu to trên màn hiện sóng, điều này làm cho các trắc thủ radar dễ bị nhầm lẫn là dải nhiễu B-52.
Đại tá Trần Liên, nguyên Phó Tư lệnh Binh chủng Radar cho biết: "Nhiễu của nó rất phức tạp, nó đi trinh sát, cái tần số của anh phát ra bao nhiêu thì đến lúc vào nó cứ phát cái máy nhiễu đúng tần số đó, thì coi như anh không phát hiện được gì. Phương pháp thứ hai là nó làm ra một mục tiêu giả, đến khi ta chiếu lên thì nó phát ra mục tiêu giả, cho nên chỉ bắn vào mục tiêu giả chứ không bắn được vào mục tiêu thật".
Sáng 16/4/1972, Mỹ huy động 60 máy bay chiến thuật bay vào vùng trời Hà Nội, trong đó có nhiều chiếc F4 gây nhiễu giả B-52. Bộ đội Tên lửa đã phóng 93 quả đạn nhưng không bắn rơi chiếc nào. Nhiều lần quan sát ta phát hiện, tên lửa khi phóng lên tìm mục tiêu, đều chui vào khe giữa 2 chiếc máy bay, vượt qua mục tiêu, bay thẳng lên cao rồi tự hủy. Với tầm bay cao và hệ thống chống nhiễu dầy đặc, đế quốc Mỹ kỳ vọng, đây sẽ là con át chủ bài cho cuộc tập kích đường không chiến lược hủy diệt Hà Nội. Vào thời điểm đó, vấn đề chống nhiễu, tìm được B52 trên các dải tần của sóng radar, trở thành vấn đề mấu chốt để chúng ta có thể hạ gục B52. Trong cuộc đấu trí cân não này, chúng ta đã thực hiện phương châm vạch nhiễu tìm thù, tìm thù trong nhiễu, đưa cánh sóng radar lên đỉnh Trường Sơn, tạo thành trường radar khép kín. Theo Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên Sĩ quan Radar Trung đoàn 291, lợi dụng sơ hở của địch, chỉ tập trung chế áp gây nhiễu các tần số sóng radar của tên lửa và không quân, mà bỏ qua không chế áp radar pháo cao xạ. Ta đã sử dụng hệ thống radar này để phát hiện B52.
"Cán bộ, chỉ huy tham mưu Binh chủng radar nghiên cứu và chốt lại, nếu B-52 đánh miền Bắc, đánh Hà Nội thì chủ yếu là bay theo hai hướng: Từ Guam sang, là Đông Nam, dọc biển Đông; thứ hai là từ Thái Lan sang, Tây Nam dọc bên Lào vào Tây Bắc, vòng xuống đánh Hà Nội, Hải Phòng. Muốn đánh B-52 tốt, là phải đưa một trung đoàn radar mạnh nhất vào khu vực để phát hiện B-52 từ bên sườn nhiễu của nó, tức là nơi nhẹ nhất. Cho nên, đã đưa Trung đoàn radar 291 là anh cả đỏ của Binh chủng Radar vào Nghệ An", Đại tá Nghiêm Đình Tích nhớ lại.
Bộ đội tên lửa những ngày đánh trận Điện Biên Phủ trên không. (Ảnh tư liệu)
Với hệ thống gây nhiễu phòng thủ dày đặc, B-52 có được tấm lá chắn nhiều tầng, nhiều lớp. Trong trận tập kích đánh vào Vĩnh Linh, Quảng Trị, B-52 của Mỹ đã gây nhiễu cực mạnh khiến cho tên lửa của ta khi rời bệ phóng là mất điều khiển. Sau nhiều lần nghiên cứu và thử nghiệm, đài điều khiển đã bắt được tín hiệu quả đạn. Tên lửa đã phóng vút lên bầu trời tìm đến mục tiêu, bắn hạ máy bay B-52 của đối phương. Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Văn Phiệt người đã điều khiển tên lửa bắn hạ 2 máy bay B-52 trong vòng 10 phút nhớ lại trận đánh vào rạng sáng 21/12.
"Tôi thao tác để phóng giả bật phóng lên, quả đạn không đi nhưng cái sóng để điều khiển quả đạn thoát ra ngoài không trung, máy bay của địch nhất là máy bay F4 phát hiện được sóng đó nên bổ nhào, lượn vòng để né tránh. Còn B-52 không tránh mà cứ thế bay thẳng vào, nên ta phát hiện rõ đâu là máy bay B-52, đâu là máy bay bay ngoài đội hình gây nhiễu", Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho biết.
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, trong Chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, hệ thống các đơn vị radar được bố trí dày đặc. Gồm Trung đoàn 293 và Tiểu đoàn 8 dẫn đường ở Hà Nội, Trung đoàn radar 290 ở Quảng Bình, Trung đoàn radar 291 ở Nghệ An, Trung đoàn radar 292 ở Tây Bắc. Hệ thống bố trí radar như vậy đã hình thành thế bố trí tuyến trước, tuyến sau, có chính diện, có bên sườn, kết hợp với một hệ thống gồm 12 trạm và 48 vọng quan sát mắt, hai đại đội trinh sát nhiễu ở miền Tây Quảng Bình và Nghệ An, có khả năng phát hiện xa, phân biệt được máy bay B-52, bảo đảm báo động sớm, phục vụ hiệu quả cho tác chiến.
Đêm 18/12/1972, bộ đội radar đã phát hiện và khẳng định chính xác B-52 vào đánh phá Hà Nội (trước 29 phút). Ảnh tư liệu
"Bộ đội radar của chúng ta rất anh hùng, trong điều kiện địch gây nhiễu như thế, trong điều kiện địch luôn luôn dùng hệ thống tên lửa để chống radar, nghệ thuật bố trí hệ thống radar của ta rất là tốt, trận địa radar bên trong bị nhiễu nhiều thì ta bố trí sát biên giới, ngoài đó ít nhiễu hơn. Chính vì việc radar phát hiện được nên tên lửa và không quân mới đánh được", Trung tướng Nguyễn Đức Soát phân tích.
Điểm mạnh của B-52 là gây nhiễu, với rất nhiều loại nhiễu, nhiễu từ xa, nhiễu trong đội hình, nhiễu tiêu cực, nhiễu rãnh đạn. Mỗi B-52 có 17 máy gây nhiễu, một tốp B-52 có 51 máy gây nhiễu, lại bay ở độ cao 10km nên mức độ gây nhiễu cực nặng, không quân Mỹ khẳng định rằng, không có loại radar hay vũ khí nào có thể bắt và đánh được B-52. Thực tế cho thấy, khi Tiểu đoàn Tên lửa 77 mở máy thu nhiễu, màn hình trắng xóa, không thể phát hiện ra B-52. Bằng kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu và được huấn luyện kỹ về cách phân biệt nhiễu thật, nhiễu giả B-52, bộ đội radar và tên lửa đã bắt và phán đoán chính xác máy bay B-52. Do quá tự tin vào khả năng gây nhiễu của B-52 mà người Mỹ không tính đến rằng, bộ đội radar và bộ đội Tên lửa phòng không của Việt Nam đã khai thác những điểm yếu cốt tử để phát hiện ra chính xác B-52.
Đại tá Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng phân tích: "B-52 bắt đầu bay vòng để chuẩn bị ném bom, bắt đầu từ Tam Đảo vòng vào Hà Nội thả bom, thì bắt đầu là biên đội trưởng, phi đội trưởng phi đội 3 chiếc B-52 hạ lệnh mở khoang bom, thì lúc mở khoang bom là tín hiệu phát ra rất rõ, tức là khi nó mở ra, tự nhiên có một khoảng không, thì chúng ta phát hiện ra. Bộ đội Tên lửa dưới Hải Phòng phát hiện bằng cách đột ngột tắt tất cả hệ thống radar, sau đấy bật đột ngột lên, khi bật đột ngột như thế, tín hiệu B-52 rất rõ. Các đồng chí chúng ta phát hiện B52 bằng kinh nghiệm như thế".
Máy bay của ta xuất kích tiêu diệt địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trước khi cuộc tập kích đường không vào Hà Nội diễn ra, đế quốc Mỹ đã dùng B-52 đánh phá thành công ở Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng. Từ đó, chúng chủ quan, xem thường lực lượng phòng không của Việt Nam. Chúng huênh hoang, tuyên bố với phi công rằng, khi B-52 vào đánh Hà Nội thì hệ thống nhiễu điện tử sẽ vô hiệu hóa toàn bộ lực lượng phòng không Việt Nam. Nhưng thực tế, chúng đã bị những con mắt thần radar của chúng ta phát hiện. Nhờ phát hiện sớm nên bộ đội radar đã phát tín hiệu cảnh báo sớm cho Hà Nội trước 40 phút. Từ những chỉ dẫn của bộ đội radar, bộ đội Tên lửa và bộ đội Không quân đã xuất kích nhằm đúng B-52 tiêu diệt, khiến cho lũ giặc trời tan xác trên bầu trời miền Bắc./.
Theo VOV