GS Đoàn Quốc Hưng,Đềxuấtmởrộngđàotạotrảlươngchobácsĩnộitrúdu doán Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, nêu ý kiến trên tại lễ kỷ niệm 50 năm đào tạo Bác sĩ nội trú, sáng 26/2.
Bác sĩ nội trú là chương trình đào tạo đặc thù của ngành Y. Đây được coi là đào tạo tinh hoa, dành cho những sinh viên xuất sắc theo học ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Mô hình này xuất phát từ Pháp, sau đó sang các nước châu Âu, Mỹ và khắp thế giới.
Tại Việt Nam, ông Hưng cho biết Đại học Y Hà Nội tuyển sinh khóa bác sĩ nội trú đầu tiên vào năm 1974. Từ đó đến nay, trường đã và đang đào tạo gần 5.200 bác sĩ, với nhiều thay đổi trong từng giai đoạn, theo hướng tiệm cận với xu thế thế giới.
Về chuẩn đầu vào, trước năm 2015, điều kiện để thi chuyên ngành bác sĩ nội trú là điểm thi tốt nghiệp từ 7 trở lên, nhưng sau đó, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp và không bị kỷ luật là được dự thi. Với thay đổi này, tỷ lệ sinh viên học bác sĩ nội trú tăng, từ 10-15% trong giai đoạn 1974-2014 lên thành trên 65% ở giai đoạn 2015-2023.
Thay vì phải đăng ký chuyên ngành trước rồi mới thi và không đạt sẽ bị loại ngay, thí sinh bây giờ được chọn chuyên ngành sau khi có kết quả, theo nguyên tắc người đạt điểm cao hơn được ưu tiên lựa chọn chuyên ngành. Do đó, những chuyên ngành vốn rất ít sinh viên lựa chọn trước đây cũng đã có bác sĩ nội trú như Lão khoa, Ký sinh trùng,...
Cùng đó, các bác sĩ nội trú đã tham gia làm việc ở diện rộng hơn.
"Trước đây, 90% bác sĩ nội trú ở lại trường hoặc các bệnh viện tuyến trung ương thì giờ đây, tỷ lệ bác sĩ nội trú ở các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố và các bệnh viện ngoài công lập tăng lên 35%", ông Hưng nói.
Cho rằng số bác sĩ nội trú tăng lên, khi trở về công tác ở tuyến tỉnh sẽ góp phần thay đổi chất lượng khám chữa bệnh theo hướng tích cực, người dân được hưởng lợi, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trung ương, Đại học Y Hà Nội đề xuất mở rộng đào tạo hệ này.
"Cần thiết mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh lên mức 90% sinh viên tốt nghiệp được đào tạo bác sĩ nội trú và muốn tiếp tục hành nghề khám chữa bệnh bắt buộc phải học nội trú", ông Hưng nhấn mạnh.
Việc này cũng phù hợp với xu thế trên thế giới. Theo ông Hưng, hiện đa số quốc gia quy định bác sĩ muốn hành nghề phải học thực hành nội trú sau khi xong chương trình đại học. Bác sĩ nội trú, vốn là đào tạo tinh hoa, cần chuyển thành mô hình đào tạo đại trà.
Đề xuất của trường Đại học Y Hà Nội nhận được sự tán đồng của nhiều chuyên gia, như PGS.TS Nguyễn Văn Hinh, nguyên Hiệu trưởng hay PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.