Đọc các bài viết gần đây bàn về câu chuyện tầm quan trọng của học vấn,átrịcủangườihọccaonhữngkhônggiỏikiếmtiềthứ hạng của adelaide united bằng cấp như "Lầm tưởng 'học nhiều không bằng kiếm tiền giỏi'" hay "20 năm mang tiếng 'học nhiều nhưng không biết kiếm tiền'", cá nhân tôi thấy vui vì xã hội hiện đại vẫn còn những người ham học, người yêu thích và mưu cầu sự học, dù là ở cấp bậc Đại học, Cao học, hay đơn giản là tự học. Nhân đây, tôi cũng xin phép được chia sẻ cảm nghĩ riêng của mình về vấn đề học hành nói chung và học cao nói riêng.
Cũng như hai tác giả, tôi hy vọng chúng ta sẽ ngày càng bớt đi những thành kiến đối với những người xem trọng sự học hơn kiếm tiền. Tác giả Nguyen Thanh Vuđã đưa ra hai lý do quan trọng về mặt xã hội: một là chúng ta cần tôn trọng sở thích và quan điểm của nhau vì không ai giống ai cả; và hai là xã hội nào cũng coi trọng người có học.
Ngoài hai lý do này, tôi cho rằng người ham học cũng xứng đáng có được sự tôn trọng của xã hội vì hai lý do thực tiễn: Thứ nhất, kiến thức (knowlege) là một nguồn vốn cực kỳ quan trọng cho sự phát triển bền vững của bất kỳ nền kinh tế nào. Thứ hai, tư duy ham học là một tư duy nhân văn chỉ có lợi chứ không có hại cho sự mưu cầu thịnh vượng của xã hội.
Về luận điểm thứ nhất,từ những năm 1960, nhà Kinh tế học đoạt giải Nobel người Mỹ, Gary Becker, đã bắt đầu phân tích nhiều về tầm quan trọng của khái niệm "vốn nhân lực" (human capital). Sự phát triển của mỗi mô hình kinh tế, dù là một nhà máy nhỏ hay cả một nền kinh tế quốc gia, đều đòi hỏi hai nguồn vốn: vốn vật chất (material and financial capital), bao gồm các phương tiện sản xuất vật chất như nhà máy, máy móc, tiền, gọi chung là tài lực; và vốn nhân lực, bao gồm không chỉ sức lực, sức khỏe của người lao động và sản xuất ra sản phẩm, mà cả khả năng, kỹ năng, và kiến thức hay tri thức mà họ - và chỉ họ - sở hữu tích lũy qua năm tháng.
Một công ty hay một quốc gia đầu tư vào vốn nhân lực này như thế nào? Đó là bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, và an sinh xã hội. Điểm khác nhau lớn nhất giữa vốn nhân lực và vốn vật chất là vốn nhân lực chỉ có thể được thay thế chứ không thể chuyển nhượng (transferrable), vì kiến thức và kỹ năng của mỗi người là thuộc quyền sở hữu của riêng họ. Luật về quyền sở hữu trí tuệ là một minh chứng và kết quả của điểm khác nhau này. Vì tính đặc thù đó, vốn nhân lực trong nhiều trường hợp còn quan trọng và có giá trị hơn cả các loại vốn vật chất.
Năm 2018, Nhà Kinh tế học Paul Romer được trao tặng giải Nobel Kinh tế nhờ công trình nghiên cứu về "lý thuyết tăng trưởng nội sinh" (endogenous growth theory). Nói nôm na, Romer cho thấy tăng trưởng kinh tế phụ thuộc phần lớn vào những yếu tố nội sinh (xuất phát từ bên trong con người) thay vì ngoại sinh (vật chất). Những yếu tố nội sinh giúp tăng trưởng kinh tế chính là vốn nhân lực, ý tưởng đổi mới (innovation), và kiến thức (ở đây, tôi dùng chữ "knowledge" chỉ chung cho khái niệm kiến thức và tri thức, tuy hai khái niệm này có sự khác biệt chứ không hoàn toàn giống nhau).
Nói cách khác, kiến thức của một người và giá trị quy thành tiền của lượng kiến thức đó không hề tỷ lệ nghịch với nhau như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy rằng, không phải ai học cao hay học nhiều cũng sẽ kiếm được nhiều tiền, nhưng không có nghĩa là sự học của họ và kiến thức mà họ có được không có giá trị về mặt kinh tế.
Ngược lại, càng nhiều người tích lũy được càng nhiều kiến thức, khả năng nảy sinh ý tưởng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cộng đồng và xã hội cũng sẽ càng cao. Việc người học nhiều nhưng không có được thu nhập xứng đáng là kết quả của sự bất bình đẳng giữa các ngành nghề, các địa phương... và là một vấn đề cần được xem xét và khắc phục, chứ không phải là lý do cho việc dè bỉu hay xem thường sự ham học.
>> 15 năm lương cao vẫn không bằng bạn bè có bằng cấp
Lý do thứ hai và quan trọng hơn cả, đó là tư duy ham học cần nhận được sự chấp nhận và tôn trọng, nếu không phải là khuyến khích khi điều kiện cho phép bởi đó là một tư duy có ích cho xã hội loài người.Ở đây, cần nói rõ rằng một người không học lên Đại học hay Cao học nhưng ham thích tìm tòi, đọc hiểu, khám phá, thì sẽ vẫn mang tư duy ham học hơn một người học lên Tiến sĩ chỉ để có bằng cấp hòng được lên chức, nâng lương.
Tư duy ham học đặt sự quan trọng vào kiến thức và giá trị tinh thần thay vì vào giá trị vật chất. Ở góc độ cá nhân, tư duy ham học thúc đẩy và cho phép người ham học khám phá và thấu hiểu được nội tâm bản thân và ngoại cảnh của môi trường xung quanh qua việc tích lũy kiến thức và trau dồi kỹ năng. Điều đáng nói là những kiến thức và kỹ năng này không chỉ là kiến thức và kỹ năng chuyên môn của một ngành nghề, mà còn là thường thức đời sống, các kỹ năng mềm, những bài học về mặt đạo đức, quan hệ giữa người và người, giữa người và thiên nhiên...
Vì thế, người càng thật sự hiểu biết nhiều sẽ càng nhận ra mình chẳng biết bao nhiêu, và như vậy tư duy ham học cũng là thứ khuyến khích họ sống khiêm tốn và bao dung với bản thân và người xung quanh hơn. Có một câu nói tôi đã nghe từ một nhà báo chuyên đưa tin về các khám phá Thiên văn học, mà tôi rất tâm đắc: "Chúng ta phải thông minh như thế này để biết thì ra chúng ta ngu ngốc ra sao" – "We have to be this intelligent to know how ignorant we really are".
Cuối cùng, vì tư duy ham học thúc đẩy một người cầu tiến, nó cũng là một thái độ sống tích cực và lành mạnh. Ở tầng nghĩa rộng hơn, trong một xã hội mà tư duy ham học đúng nghĩa được tạo điều kiện để nở rộ và lan rộng, thì đó cũng là một xã hội đề cao giáo dục, đào tạo, và an sinh.
Càng nhiều người ham học và nhận thức đúng đắn ý nghĩa và giá trị của việc học, càng nhiều người tìm đến giáo dục vì lý do đúng đắn (không phải để kiếm tiền hay quyền cho riêng bản thân, để rồi mang tiếng "có bằng mà chẳng bằng ai"), xã hội sẽ càng có nhìn nhận đúng mức với những người làm giáo dục hơn, và sẽ càng có nhiều nỗ lực để đầu tư vào giáo dục và đào tạo hơn. Khi đó, việc đầu tư vào cái gọi là "vốn nhân lực" sẽ không chỉ còn đơn thuần là một phương tiện để đạt được tăng trưởng về kinh tế như tôi bàn ở trên nữa, mà nó sẽ trở thành mục đích và kết quả của một xã hội nhân văn và phát triển toàn diện.
Nói cách khác, khái niệm "vốn nhân lực" (human capital) trong một xã hội như thế sẽ lùi về sau để nhường chỗ cho khái niệm "phát triển con người" (human development). Đây cũng chính là lý do vì sao giáo dục luôn là một tiêu chí tối quan trọng trong việc tính toán "chỉ số phát triển con người" (Human Development Index) của Tổ chức Liên Hiệp Quốc. Giáo dục và phát triển con người là không thể tách rời.
Tóm lại, tôi muốn nói rằng, học chính quy và học cao không dành cho mọi người. Một tấm bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ cũng không phải là tấm giấy chứng nhận rằng một người giỏi giang và đạo đức hơn người không có bằng. Nhưng, bất cứ ai ham học và có điều kiện để mưu cầu sự học, dù ở trường hay ở nhà, bằng cách đọc, viết hay đi, làm, cũng cần được khuyến khích và ủng hộ.
Quan trọng nhất, tôi hy vọng ở các cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng, và xã hội, sẽ có được những thay đổi về mặt nhận thức và tư duy đối với việc học, để cho tư duy ham học đúng nghĩa được nuôi dưỡng đúng mức, và để cho những người ham học, lẫn những người làm giáo dục có tâm sẽ không còn bị vấp phải thành kiến và dè bỉu mà họ không xứng đáng phải nhận.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.