Với bất kỳ ai từng là người lính Cụ Hồ,ọcBáctừnhữngđiềugiảndịtỷ số bóng đá giải đức đều khắc ghi hình ảnh của Bác trong trái tim mình. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ảnh) (khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An) cũng vậy, gửi trọn tuổi thanh xuân cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng quê hương, bà luôn tự hào về một thời sống và chiến đấu hết mình, như những con thoi, dệt tình yêu quê hương đất nước, tự hào về những năm tháng vẻ vang của dân tộc. Bà bảo, nhớ về Bác, những lời dạy của Người chính là động lực giúp những người lính năm xưa như bà hôm nay tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước trong thời bình.
Người nữ chiến sĩ kiên trung
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, sinh năm 1954, trong một gia đình cách mạng tại TX.Thuận An. Năm 15 tuổi, bà Loan cùng theo cha mẹ tham gia cách mạng. Ban đầu bà làm giao liên, khi thì giả học sinh, lúc lại giả làm người bán hàng để đưa thư và tài liệu, móc nối cơ sở, xây dựng cơ sở nuôi chứa cán bộ cách mạng, không sợ nguy hiểm dù biết rằng chỉ một chút sơ hở là có thể bị địch bắt tù đày, bị đe dọa đến tính mạng. Cuối năm 1968, bà bị lộ nên thoát ly vào căn cứ, nằm vùng ở vùng ven sông Sài Gòn. Bà được những người đi trước dìu dắt và ngày càng giác ngộ lý tưởng cách mạng, nhận thức được lẽ sống của đời mình là suốt đời đi theo cách mạng, đấu tranh để đánh đuổi quân xâm lược. Cô gái trẻ Thanh Loan ngày ấy nhiệt tình nhận mọi nhiệm vụ mà tổ chức giao cho. Trong căn cứ, bà được bộ đội dạy học đánh máy; sau đó, bà kiêm nhiệm làm văn thư, đánh máy cho 3 đơn vị: Huyện đội, UBND huyện và Huyện ủy.
Năm 1969, bà lại tiếp tục được phân công đi học thêm lớp y tá tại Chiến khu Đ. Trong điều kiện học tập, công tác vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt; bà vừa học vừa nuôi dưỡng các thương binh dưới địa đạo. Bà kể lại: “Khi đó, bộ đội ta chỉ ăn măng với lá rừng, nhìn anh em ai cũng xanh xao, vàng vọt, thương lắm! Nhiều người sốt rét, đau bệnh, thế nhưng ý chí chiến đấu lúc nào cũng hừng hực. Trong rừng, tuy cực khổ nhưng anh em thương nhau còn hơn ruột thịt”. Năm 1970, để chuẩn bị cho chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa”, bà đi làm giấy căn cước giả để ra ngoài lấy tài liệu về phát cho cơ sở. Lúc này tình hình trở nên vô cùng ác liệt. Với nhiệm vụ của người làm giao liên, bà luôn thể hiện tinh thần xung phong, dũng cảm sẵn sàng đương đầu mọi khó khăn, nguy hiểm bất chấp ngày đêm phải băng rừng, vượt qua nhiều vòng phục kích của địch, vùng đóng quân bọn biệt kích chỉ để kịp thời giao tài liệu giúp đồng đội nắm bắt được tình hình. Với những thành tích xuất sắc của mình, năm 1970, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1972, trong một lần lên Chiến khu Đ nhận tài liệu về phát cho cơ sở, không may bà bị lọt ổ phục kích của địch. Bị thương nhưng bà vẫn kiên trì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trước chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975, bà tiếp tục đảm đương công tác chuyển tài liệu và chỉ thị của cấp trên nhằm phục vụ kịp thời cho chiến dịch và đảm nhận công việc này cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Học Bác, sống và làm việc thật tốt
Sau chiến tranh, dù cuộc sống có lúc vô cùng khó khăn, bà vẫn kiên định, dũng cảm vượt qua, giữ vững phẩm chất của một người lính Cụ Hồ. Bà trở về quê hương trong niềm vui của gia đình, người thân và nhanh chóng bắt tay vào công cuộc kiến thiết đất nước. Ban đầu, bà về nhận nhiệm vụ công tác văn thư, đánh máy tại Phòng Thương binh - Xã hội huyện Thuận An; rồi phụ trách công đoàn tại Công ty Thương nghiệp huyện Thuận An.
Với bản tính cần cù, chịu khó, đã từng thử thách qua chiến trường nên dù ở vai trò nào, bà cũng nỗ lực hết mình trong lao động, sản xuất, nhiều năm liền được khen thưởng. Năm 1984, do hoàn cảnh gia đình khó khăn (chồng bà từng là bộ đội chủ lực là thương binh nặng), lại gồng gánh nuôi 8 người con đang tuổi ăn tuổi học nên bà quyết định xin nghỉ việc, ra ngoài làm để lo cho gia đình. Bà tâm sự: “Ở vị trí nào, cương vị nào hay nghề nào cũng vậy, miễn là mình cần cù, chịu khó, luôn hết lòng với công việc, luôn trung thực, giản dị thì tôi nghĩ ai cũng quý, cũng yêu hết. Dù làm một cán bộ Nhà nước hay một người buôn gánh bán bưng nhưng trong tôi luôn khắc ghi hình ảnh của Bác. Luôn nhớ về Người và học ở Người từ những việc nhỏ. Cũng từ đây, tôi dạy cho con cháu mình sống, học tập và làm việc có ích”. Qua những cống hiến trong suốt 40 năm theo cách mạng, bà Nguyễn Thị Thanh Loan đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất và rất nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Giờ đây, ở khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An, bà Thanh Loan, người con gái giao liên nhỏ nhắn ngày xưa từng xông pha lửa đạn, từng chịu nhiều mất mát, gian khổ nay đã trở thành bà và có cuộc sống an yên cùng con cháu. Ở bà, dường như những khó khăn trong cuộc sống đời thường đều là chuyện nhỏ, ý chí và nghị lực của một người nữ chiến sĩ năm xưa từng đối mặt với hiểm nguy trước quân thù, sự mong manh giữa sống và chết đã rèn luyện cho bà một bản lĩnh và nghị lực sống vững vàng. Bà vẫn là người phụ nữ mạnh mẽ, là chỗ dựa vững vàng cho gia đình và gương mẫu đi đầu trong các hoạt động tại địa phương. Với bà Nguyễn Thị Thanh Loan và những người lính nói chung, phẩm chất truyền thống bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn là một hành trang vô giá để sống và không ngừng cống hiến cho quê hương, đất nước.
NGỌC THANH