Đầu tuần trước,ệcgiàbóng da wap công ty tôi tổ chức YEP cho nhân viên sau hai năm gián đoạn vì Covid và một năm tiếp theo áp dụng hình thức làm việc tại nhà. Buổi tối cuối tuần, tôi là khách mời dự tiệc tất niên của một doanh nghiệp đối tác.
Dù là dưới hình thức nào (gala dinner hay hội nghị tổng kết năm), YEP luôn được xem là một trong những sự kiện quan trọng, được tổ chức sau khi kết thúc một năm hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tổ chức YEP không chỉ để nhìn lại toàn bộ năm cũ và định hướng phát triển cho năm mới, mà còn có mục đích khác, ý nghĩa hơn, hướng nhiều về yếu tố con người: ghi nhận và trân trọng sự đóng góp, thành tích lao động xuất sắc của các tập thể đội nhóm, các cá nhân trong suốt một năm. YEP mang lại sự kết nối, gắn bó hơn giữa các đồng nghiệp, các cấp quản lý và nhân viên, tạo nên sự đồng thuận, cùng hướng về mục tiêu chung của doanh nghiệp.
2023 là một năm khó khăn chung cho cả nền kinh tế. Tình trạng này cũng tác động đến quyết định tổ chức tiệc cuối năm của các doanh nghiệp. YEP có xu hướng đơn giản và tiết kiệm hơn, không phô trương, hoành tráng, tốn kém như trước Covid 19.
Buổi tiệc do đối tác tổ chức mà tôi được tham dự có những thay đổi đáng kể. Thay vì thuê địa điểm tại một khách sạn sang trọng như mọi năm, họ tận dụng khoảng sân rộng trước văn phòng công ty. Việc dàn dựng sân khấu, lên chương trình không còn do đơn vị tổ chức sự kiện chuyên nghiệp thực hiện nữa mà được chính thành viên các phòng ban trong nội bộ công ty đảm nhiệm. Toàn bộ tiết mục biểu diễn cũng là "cây nhà lá vườn" tự biên, tự diễn, không phụ thuộc vào đạo diễn chuyên nghiệp mời từ bên ngoài. Các tài năng văn nghệ tiềm ẩn trong nội bộ được phát huy, bung xõa tối đa. Năng khiếu cùng tính sáng tạo của nhiều nhân viên trẻ đã làm nên một đêm YEP sôi động, tự nhiên và tiết kiệm.
YEP có phải là một sự kiện truyền thống, một thông lệ bắt buộc hay không vẫn còn phụ thuộc vào văn hóa của từng doanh nghiệp hay quyết định của cấp quản lý.
Cùng với làn sóng đầu tư mạnh mẽ, phát triển theo xu hướng toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua của các tập đoàn đa quốc gia từ Mỹ và châu Âu, văn hóa tiệc tùng cũng lan tỏa rộng rãi sang các lục địa khác, trong đó các quốc gia ở châu Á có lẽ là những nơi tiếp nhận nhanh nhất.
Mùa tiệc cuối năm của Trung Quốc bao giờ cũng kéo dài và xa hoa. YEP như là một lễ hội thu nhỏ ở các doanh nghiệp ăn nên làm ra với chương trình biểu diễn văn nghệ hoành tráng cùng trò chơi bốc thăm may mắn với các giải thưởng rất giá trị về mặt vật chất.
Hàn Quốc cũng đã có rất nhiều năm giữ truyền thống tổ chức YEP như các quốc gia phương Tây. Thế nhưng từ 2022, các tập đoàn kinh tế lớn có đến hàng trăm nghìn nhân viên như Samsung Electronics, LG, Huyndai Motor, SK... đã quyết định chấm dứt tổ chức YEP một cách bất ngờ. Văn hóa cân bằng giữa công việc và cuộc sống đang phổ biến đã làm nên một thay đổi lớn. Nhân viên của các tập đoàn này được khuyến khích tận hưởng những ngày nghỉ lễ cuối năm hơn là đắm mình trong các buổi tiệc tùng tốn kém.
Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện tại, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện tổ chức YEP. Không ít lãnh đạo doanh nghiệp có tâm vào thời điểm này sẽ day dứt với câu hỏi: nếu không có tiệc, người lao động của mình liệu có "tủi thân" không? Có lẽ "liệu cơm gắp mắm" lúc này mới là điều quan trọng. Nếu doanh nghiệp đã trải qua một năm lao động cật lực, với thành quả kinh doanh rực rỡ, một bữa tiệc sang trọng sẽ là sự khích lệ to lớn với người lao động. Nhưng với các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không tốt, tiết kiệm chi phí là ưu tiên hàng đầu để dồn sức bảo đảm khả năng chi thưởng cho người lao động. Nỗ lực có được phần quà Tết, hỗ trợ chi phí đi lại, tiền xe về quê cho người lao động vẫn được xem là thiết thực hơn cả.
Bản thân người lao động, trong cuộc đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, cũng chỉ mong được nhận những khoản chi như thế vào cuối năm, hơn cả tiệc tùng.
Khi đó, YEP không phải là sự trông đợi hay niềm ước muốn phải có. Người lao động thậm chí cũng sẽ cảm thông và ủng hộ ban lãnh đạo nếu bữa tiệc vài tiếng đồng hồ được thay thế bằng một cuộc gặp mặt, trò chuyện thân tình và ấm cúng.
YEP, dù quan trọng, không phải là cách thức duy nhất để thể hiện sự quan tâm với người lao động. Mối quan hệ giữa hai bên không tồn tại trong một vài giờ, hay những khoảnh khắc vui vẻ của bữa tiệc. Sự biết ơn và tôn vinh người lao động - xuất phát từ "tâm" của người sử dụng lao động và các cấp quản lý - được thể hiện trong từng ngày, suốt nhiều năm cùng làm việc.
Dù có hay không YEP, văn hóa ứng xử và tôn trọng lẫn nhau, bảo đảm lợi ích tối đa của người lao động vẫn là nền tảng và yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Hà Đức Trí