Không chỉ nói suông,ườiphụnữvượtquasốphậsoi keo melbourne city chị Phượng (bên phải) thường xuống tận nhà hội viên để nắm biết tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chị em
Những gì chị đạt được đối với người khác có thể rất đỗi bình thường, thậm chí như một sự đương nhiên. Nhưng với chị là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, nỗ lực hết mình. Chị là Mai Thị Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Thuận Giao, huyện Thuận An.Nước mắt nhạt nhòa tìm con chữ
Tôi bắt đầu để ý đến chị khi chị có báo cáo tham luận “Xã Thuận Giao làm tốt công tác phòng chống bạo hành gia đình (BHGĐ)” tại cuộc họp tổng kết năm của Hội LHPN tỉnh. Tôi tìm đến chị Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, được chị giải thích: “Hội LHPN xã Thuận Giao làm tốt công tác phòng chống BHGĐ lắm. Sở dĩ đạt được thành tích ấy là nhờ chị chủ tịch hội là người trong cuộc. Chị ấy từng là nạn nhân của BHGĐ, vì vậy rất cảm thông với những người bị BHGĐ. Mặc dù bị chồng hành hạ, đánh đập nhưng chị Phượng vẫn quyết tâm vươn lên. Từ một người chưa học hết cấp II, nay chị đã hoàn thành lớp trung cấp phụ vận, trung cấp chính trị, chuẩn bị đi học đại học”. Tôi hơi ngỡ ngàng trước nhận xét của chị Liên và muốn nhanh chóng gặp chị Phượng để tìm hiểu sự tình.
Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, chị kể vanh vách những danh sách dì bảy, chị tư... bị chồng ngược đãi, BHGĐ. Khi tôi hỏi, vì sao chị dám “xông pha” xuống tận nhà khi vợ chồng họ đang “xung đột”, chị nói: “Tôi rất thông cảm với họ. Tôi muốn xuống giải thích cho họ hiểu, nếu không được thì chúng tôi nhờ đến công an viên ở ấp, công an xã can thiệp”.
Dẫn dắt qua từng vụ việc cụ thể về nạn BHGĐ, chị bắt đầu kể với tôi hoàn cảnh của chị. Gần 20 năm lấy chồng, làm dâu chị luôn phải sống trong cảnh dè dặt trông trước ngó sau, thậm chí cam chịu. Chị kể, ngày trước hai anh chị cùng làm công nhân trong xưởng gốm. Người ta thấy chị dễ thương, hiền lành, còn anh thì tháo vát, tính hơi trầm... xem ra xứng đôi nên họ mai mối anh chị lấy nhau. Thời ấy nghèo làm gì có tiền tổ chức đám cưới. Nhân dịp đám giỗ, anh chị ra mắt dòng họ và chính thức về ở với nhau. Hạnh phúc không bao lâu, chị bắt đầu sống trong cảnh chịu đựng. Nguyên nhân của việc này không có gì sâu xa, chỉ đơn giản vì cả hai anh chị phải đi làm công nhân đến tối mịt, có khi đến nửa đêm mới về đến nhà không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình chồng. Thay vì được chồng chia sẻ, ngược lại anh buộc chị phải vất vả hơn để vừa đi làm kiếm tiền, vừa chu toàn công việc nhà. Với bản tính hiền lành, cam chịu, chị cũng chiều theo ý anh. Không còn làm ở xưởng gốm vì sinh em bé đầu lòng, chị làm đủ thứ nghề; từ mở quán nước mía tại nhà, đổ heo đất, đến chạy khắp Sài Gòn bán chén. Đến khoảng năm 2000, ở địa phương thấy chị cũng giỏi giang lại nhiệt tình, nên vận động chị làm cộng tác viên suy dinh dưỡng, sau đó là cộng tác viên dân số, rồi đến tổ trưởng tổ phụ nữ, rồi chi hội phụ nữ phụ trách một ấp.
Thấy chị nhiệt tình, Hội LHPN xã bầu chị làm ủy viên Ban Chấp hành và vận động chị đi học. Kể đến đây, nước mắt chị ứa ra. Chị nghẹn ngào nói: “Những ngày đi học là những ngày chị nước mắt nhạt nhòa, nhưng vì mong muốn nâng cao trình độ chị luôn cố gắng”. Trước khi đi học, chị đã hỏi ý kiến chồng và được anh đồng ý. Ngoài mặt anh luôn ủng hộ vợ đi học nhưng ngược lại anh luôn rình rập mỗi khi chị đi học. Anh ghen tuông, anh sợ chị đi học có bồ... Mà chị có phải đàn đúm, tụ tập gì đâu. Hôm nào thầy cho về trễ, chị chạy bán sống bán chết về nhà cho kịp giờ để anh khỏi nghi ngờ... nhưng anh vẫn không tha cho chị. Những lời sỉ vả, nhục mạ thậm chí đánh đập vẫn cứ diễn ra liên miên. Trong hoàn cảnh ấy chị vẫn đều đặn mỗi năm một lớp, đến cuối năm 2008, chị đã lấy được bằng tốt nghiệp cấp 3. Hiện tại chị đã đậu đại học, khoảng tháng 3-2010, chị sẽ chính thức trở thành... sinh viên.
Những tưởng sự cam chịu sẽ cảm hóa được anh, thế nhưng cuối cùng chị phải chia tay chồng vì nạn bạo hành ngày càng trầm trọng hơn. Gần 20 năm lấy chồng, làm dâu, chị dắt 2 đứa con ra đi với 2 bàn tay trắng, không nhà cửa, không mảnh đất cắm dùi. Hiện mẹ con chị đang tá túc trong cái chòi xập xệ của người chị gái. Trong hoàn cảnh này, nhưng chị lại cảm thấy an lòng. Mắt chị ánh lên niềm vui: “Bây giờ nghèo thiệt nhưng mình cảm thấy thanh thản. Đứa con gái lớn có việc làm ổn định; đứa nhỏ đang học lớp 8, năm nào cũng đạt loại giỏi”.
Cứu tinh của phụ nữ nghèo
Từ cái khổ của mình nên chị hiểu được nỗi khổ của những chị em phụ nữ thất nghiệp, không có kinh tế phụ giúp gia đình. Chị luôn trăn trở, tìm mọi cách để giúp các chị cải thiện cuộc sống. Qua tìm hiểu chị được biết, trên địa bàn có Công ty Hoa vải Jumviex Việt Nam có thể nhận hàng về gia công. Vì thế, chị đã chủ động đến công ty liên hệ cho chị em nhận hàng gia công để vừa có thể chăm sóc gia đình, vừa có thêm thu nhập.
Thấy chị nhiệt tình, có nguyện vọng giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn nên giám đốc công ty đồng ý cho chị nhận hàng về giao lại cho các chị em trong hội. Câu lạc bộ hoa vải chính thức được thành lập từ tháng 6-2008. Ban đầu chỉ có 2 tổ gia công. Đến nay, CLB đã nâng lên thành 9 tổ với 169 hội viên. Những ngày cuối năm đến thăm nhà các thành viên CLB hoa vải ai cũng tất bật. Nhà nào cũng chất hàng đống hoa thành phẩm. Ai cũng tỏ ra biết ơn công lao của chị Phượng, người đã dìu dắt, tìm hướng ra cho họ. Chị Tống Thị Lan Phương nói: “Hàng tết nên công ty hối dữ lắm, mình phải làm tăng ca mới kịp”. Chị Phương là dân nhập cư. Trước đây, để có “đồng ra đồng vào” lo cho gia đình, chị phải mua gánh bán bưng từng bó rau, thúng trái cây. Nhiều hôm, chưa bán được đồng nào đã bị lực lượng trật tự của xã hốt mất. Chị khóc hết nước mắt nhưng biết làm gì khi không tiền. Thấy được hoàn cảnh của chị, chị Phượng đã mạnh dạn giới thiệu chị Phương nhận hàng về gia công. Chị Phương tỏ lòng biết ơn: “Tôi đã từng nghĩ đến chuyện nhận hàng gia công, nhưng mình là dân nhập cư, ai tin tưởng cho mình nhận hàng. Vì vậy mà tôi hết ngày này qua tháng nọ... chạy chợ. Nhờ chị Phượng tin tưởng, giới thiệu việc làm nên tôi đã có cuộc sống ổn định. Tôi rất biết ơn các chị trong hội, đặc biệt là chị Phượng”. Không chỉ riêng chị Phương mà còn rất nhiều chị mua gánh bán bưng khác cũng được giới thiệu vào làm hẳn trong công ty hoặc nhận hàng gia công.
Từ ngày có mô hình làm hoa vải, đời sống của gia đình chị Đỗ Thị Thu Thủy nâng lên đáng kể. Chị tận dụng được mọi lao động trong gia đình nên thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng. Trong khi chị vẫn có thể tiếp tục chăn nuôi, nghề đã theo chị nhiều năm nay.
Mặc dù mô hình CLB hoa vải đã rất thành công, nhưng chị Phượng vẫn còn nhiều trăn trở. Chị Phượng tâm sự, hôm rồi có rất nhiều người tìm đến tôi để xin nhận hàng về gia công. Tuy nhiên, hội chỉ giải quyết được cho những chị ở gần như thị trấn An Thạnh, Lái Thiêu... vì công ty luôn đòi hỏi giao hàng trong ngày. Ngoài ra, thời gian kiểm hàng cũng rất lâu, gây khó khăn cho những người ở xa. Cũng vì vậy mà tôi áy náy mãi, đó là hình ảnh một anh thanh niên bị liệt hai chân. Anh đi chiếc xe ba bánh tự chế từ chiếc xe máy đến tìm tôi 2 lần mới gặp. Anh mong muốn nhận hoa vải về làm gia công. Nhưng ngặt nỗi anh ở tận Tân Ba (Thái Hòa, Tân Uyên) không thể hàng ngày qua lại giao hàng. Tôi giải thích nhưng anh vẫn muốn nhận hàng vì anh đang rất cần một việc làm. Tôi đã dẫn anh xuống gặp tổ trưởng để nhận hàng, nhưng chỉ vài ngày sau anh phải nghỉ vì không thể kham nổi.
Tuy nhiên chị Phượng lại lóe lên niềm hy vọng, chị nói, năm nay công ty có chủ trương mở rộng thị trường trong nước. Vì vậy sẽ có ý định mở thêm cơ sở ngay tại công ty nhưng giao cho Hội LHPN xã quản lý. Khi ấy, chị sẽ bàn với công ty cho những trẻ em cơ nhỡ, người tàn tật vào làm việc để ổn định cuộc sống.
Chị cũng nghèo, cũng đã từng là nạn nhân của nạn BHGĐ nên chị rất hiểu nỗi khổ của chị em phụ nữ nghèo. Mong ước của chị là làm sao giúp được càng nhiều chị khó khăn càng tốt; hòa giải để xây dựng được nhiều gia đình hạnh phúc càng tốt.
THU THẢO