Công ty cổ phần Phúc Sinh (Phuc Sinh Corporation) vừa công bố thông tin về việc nhận đầu tư từ Quỹ đầu tư &Green (Hà Lan) với tổng giải ngân và dự định tài trợ đến 25 triệu USD trong vòng 7 năm.
Chia sẻ tại buổi lễ công bố, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh (được mệnh danh là "vua tiêu" Việt Nam), cho biết, để có được cú bắt tay 25 triệu USD nói trên, công ty đã quan tâm và thực hiện phát triển bền vững từ năm 2010 và có hơn một thập kỷ kiên trì làm ESG.
ESG là viết tắt của Environment (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị). Đây là bộ ba tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Từ năm 2010, ông Thông cho biết, công ty đã bỏ ra 800 triệu để thuê chuyên gia ESG về đẩy mạnh phát triển bền vững. Đối tác mua tiêu của Phúc Sinh mong muốn sẽ đạt tỷ trọng 50% hàng ESG trên kệ, do đó nếu công ty không phát triển bền vững sẽ không bán hàng được.
Tuy nhiên, dù rót nhiều vốn để làm ESG nhưng Phúc Sinh đã thất bại trong 2 năm đầu thực hiện. Nguyên do là thời điểm đó không dễ để thuyết phục, quản lý hàng trăm, hàng nghìn nông dân làm theo mô hình ESG. Phát triển bền vững khi đó vẫn còn là khái niệm mới.
Sau đó, công ty dành 2 năm để nhìn lại, phân tích sự thất bại và quyết định tiếp tục đầu tư bền vững. Đến năm 2014, Phúc Sinh đạt kết quả trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong ngành gia vị tại Việt Nam đạt chứng nhận Rainforest Alliance.
"Vua tiêu" cho biết chìa khóa giải quyết khó khăn nằm ở việc hiểu văn hóa người nông dân, hiểu văn hóa vùng miền, văn hóa canh tác, từ đó đồng hành cùng người làm nông. Bên cạnh đó, để làm được phát triển bền vững, Phúc Sinh cũng thiết lập các đội, nhóm, có nhiều nhân sự chuyên biệt để thực hiện.
"Chi phí để phát triển bền vững không phải là rẻ, bên cạnh đó doanh nghiệp khi thực hiện phải kiên định và kiên trì. Tóm gọn lại, để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững cần có 3 yếu tố là kiên định, thời gian và tiềm lực tài chính", ông Phan Minh Thông nhấn mạnh.
Dù thế, đại diện Phúc sinh cũng bày tỏ nhiều lo lắng trong thời gian tới. Dù nhận được nhiều tiền nhưng khi đó doanh nghiệp cũng sẽ có nhiều ràng buộc, tuân thủ quy định nghiêm ngặt, chi phí vốn tăng cao. Nhưng bù lại, doanh nghiệp sẽ có hệ thống, nền tảng tài chính minh bạch, có nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai.
Việc được một tổ chức quốc tế thẩm định, phê duyệt đầu tư, góp vốn giúp doanh nghiệp đón được nhiều cơ hội trong tương lai.
Khoản đầu tư mới này, theo ông Thông, sẽ là một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Công ty sẽ dùng để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo rằng quy trình sản xuất góp phần bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng. Công ty cam kết thúc đẩy chuyển đổi ngành công nghiệp cà phê của Việt Nam hướng tới các chuỗi cung ứng có thể truy xuất nguồn gốc, không tàn phá rừng.
Ông hé lộ, thực tế, công ty đã nhận được nhiều lời mời đầu tư từ các quỹ ngoại hơn 11 năm về trước. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, các nhà đầu tư chủ yếu trong ngành tiêu dùng, F&B nên họ không có một cái nhìn nhận đúng về công ty sản xuất nông nghiệp. Do đó, họ định giá thấp, hối thúc công ty ông bán hàng nhanh hơn nên ông từ chối. Tới đầu năm nay, công ty mới lần đầu gọi vốn, được quỹ châu Âu định giá 320 triệu USD.
Ông Thông cho biết, Phúc Sinh cũng có kế hoạch IPO trong 4 năm tới, khi doanh thu chạm mốc 510 triệu USD.