Gia đình của tôi có ba anh em,Đấuđávớimẹchồnglàbóng đá anh hôm nay chúng tôi đều học hành đàng hoàng. Dâu rể nhà tôi toàn là cử nhân đại học của các trường công lập uy tín. Vậy mà, dường như cách đối xử giữa các mối quan hệ cha con, mẹ chồng nàng dâu không tương xứng với nền giáo dục đã được hưởng thụ. Mọi người hãy khoan ném đá tôi, hãy nghe tôi trình bày.
Lúc tôi mới cưới chồng, tôi thật sự rất sốc với gia đình chồng. Đám cưới ở quê tôi họ không lo gì hết, tiền nhà chồng đi cưới cũng chạy đi vay, thủ tục lễ nghĩa cưới nhà gái lo hết. Lúc đó cha mẹ tôi thông cảm vì hai gia đình cách nhau 500 cây số, cha chồng mất đã lâu, mẹ chồng thì không khỏe. Nhưng sao thông cảm hết được, khi mà đám cưới ở quê chồng thì làm thật linh đình, thuê cả ban nhạc và các “chị” vũ công về nhảy múa, tổ chức ăn nhậu liên tục 3 ngày đêm. Sau đó, đùng một cái, lòi ra thêm một đống nợ để vợ chồng tôi tự trả. Nhà chồng hồn nhiên ngồi đếm tiền, mà vừa thấy cô dâu đi ngang qua lật đật đóng cửa phòng, ngày sau đó viết ra danh sách một đống nợ!!!! Rồi rất nhiều chuyện xảy ra nữa, khiến hai bên không ai hài lòng. Và dĩ nhiên, một cô dâu lắm chữ như tôi sẽ biết nhiều ngôn từ để chỉ trích nhà chồng mỗi khi có cơ hội…
Có lẽ mọi việc sẽ rất tệ nếu như không có một chuyện xảy ra. Má chồng tôi bị ốm, bà dẫn con cháu lên chơi và khám bệnh. Mặc dù tôi không ưa gì má chồng, nhưng tôi nghĩ dù gì má chồng cũng đã hy sinh cả đời để nuôi ông con trai cưng của bà ăn học nên người, lành lặn sáng sủa để có người làm chồng tôi bây giờ. Do đó, tôi chạy đôn chạy đáo vừa tìm chỗ khám, vừa chở đi khám, nấu ăn, dẫn đi chơi, mua cho má chồng ít đồ, gửi chút tiền biếu vài người ở quê. Tối đó tôi thấy hơi đau trong người, và lúc đó chồng tôi tỏ ra rất thương vợ. Anh nói anh vui vì tôi và má chồng hòa thuận (mắt anh lúc đó rất vui khi nghe hai má con tám chuyện vang vang). Từ lúc đó, tôi chợt nhận ra tôi đấu đá, chỉ trích má chồng làm chi khi mà người thiệt hại nặng nề nhất chính là người tôi yêu thương.
Điều đặc biệt, tôi nhận thấy gia đình “ít chữ” của chồng tôi mặc dù có nhiều “tục” không giống nhà chúng tôi, nhưng bù lại tình cảm gia đình của chồng tôi rất tuyệt vời. Điều đáng học hỏi nhất của gia đình chồng tôi là, cha mẹ được các con (bao gồm cả dâu, rể) rất yêu thương, tin tưởng và tôn trọng nhau. Cũng từ lúc đó, tôi để ý má chồng cũng thương tôi. Má chồng bị đau nhưng lên Sài Gòn đều ráng xách đồ ăn cho tôi, dặn ăn cho kịp, còn đi khoe với hàng xóm là tôi học rất giỏi, công việc rất tốt..Nhờ vậy mà mối quan hệ giữa tôi và má chồng tốt hơn rất nhiều, tôi cũng không trách móc má chồng mình nữa.
Ngược lại, ở gia đình nhiều chữ của tôi, giá trị hình như bị đảo lộn. Cha tôi thì đánh chửi mẹ tôi khi ông đã gần 80 tuổi, anh hai tôi suốt ngày nạt nộ cha mẹ, em gái thì chửi cha, còn chị dâu thì sai bảo mẹ tôi hệt như osin. Mẹ tôi đã hơn 60 tuổi, nhưng mỗi sáng phải dậy từ 5h sáng để làm việc nhà và tới 10h đêm mới được đi ngủ. Vậy mà bữa cơm nào, từ cha cho đến anh hai, chị dâu, em gái của tôi cũng có chuyện để mỉa mai, mắng nhiếc bà. Mẹ tôi thật là tội nghiệp. Chồng tôi cũng thương mẹ tôi lắm, nhưng chúng tôi mời mẹ vào ở luôn, mẹ không chịu. Mẹ sợ cha tôi không ai chăm, con anh tôi không có ai giữ, cơm cho anh chị ăn không ai nấu…Tôi giận anh hai tôi vô cùng. Rõ ràng anh tôi làm chức to, học thức cao mà không biết khuyên can vợ mình, không biết tôn trọng, phụ giúp cho mẹ tôi nên quan hệ mẹ chồng nàng dâu ở gia đình tôi mới tệ như vậy.
Tôi kể dài dòng hai câu chuyện nói trên để các bạn có hoàn cảnh như tôi hiểu rằng: đừng cố gắng đấu đá với mẹ chồng, vì cuối cùng chồng mình sẽ mất tình cảm với mình, mình còn mệt mỏi thêm. Hạnh phúc đâu có ý nghĩa gì phải không các bạn? Và một điều quan trọng nữa là, các anh chồng hãy tế nhị, làm người đứng giữa để cả hai người mình yêu thương sẽ cùng hỗ trợ mình. Đừng nhất bên trọng nhất bên khinh, cuối cùng đau khổ mình vẫn phải gánh lấy.
(Theo Phunuonline)