Tọa đàm “Game online - Nên hay không nên chơi?” vừa diễn ra tại khu CNC Hòa Lạc là một phần trong chương trình Công dân số được trường THPT FPT kết hợp cùng ĐH trực tuyến FUNiX tổ chức nhằm cung cấp cho học sinh các kiến thức, kỹ năng sử dụng các công cụ và kiểm soát hành vi trên Internet.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của của ông Nguyễn Khánh Duy - Tổng giám đốc điều hành Tofu Games, nguyên Giám đốc công nghệ tại Tinhvan Telecom; ông Nguyễn Đức Hoàng - Trưởng phòng nghiên cứu phát triển ứng dụng đa phương tiện, giảng viên khoa Công nghệ đa phương tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; ông Trần Vũ Quang - Phó hiệu trưởng trường THPT FPT; ông Tạ Hà Phương - đại diện phụ huynh cùng gần 300 học sinh THPT FPT.
“Trò chơi điện tử” đã du nhập vào Việt từ những năm 1980 với chiếc máy xếp gạch chạy pin, game tay cầm 6 nút hay máy playstation. Cùng với sự phát triển của Internet và khoa học công nghệ, hình thức chơi game trực tuyến (game online) cũng như cao hơn là game thực tế ảo đã ra đời và sớm trở thành trào lưu của các bạn trẻ.
Từng là một game thủ chuyên nghiệp, ông Nguyễn Đức Hoàng lý giải nguyên nhân game online có sức hấp dẫn mạnh mẽ nhiều bạn trẻ: “Game giúp người chơi được hóa thân thành nhân vật, trải nghiệm, cảm xúc những thứ mới mẻ mà thực tế không thể thực hiện, thậm chí là không thể tưởng tượng được, ví dụ như lái tàu vũ trụ, nhảy từ trên đỉnh núi xuống, có sức mạnh ảo to lớn, không lo lộ mặt... Bên cạnh đó đồ họa game còn rất đẹp mắt, có các chế độ tính điểm, vượt qua các chặng, tăng cấp độ làm người chơi luôn có tâm lý tò mò, khám phá và chinh phục”.
Game thú vị là thế, nhưng ham mê quá độ có thể dẫn đến xa rời cuộc sống thực, đau vai gáy, tốn quá nhiều thời gian vào việc giải trí, suy giảm thể lực, trí tuệ, xa rời các mối quan hệ xã hội, thậm chí là quá nhập tâm vào những game bạo lực có thể ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Nguyễn Đức Hoàng chia sẻ: “Ngay game thủ chuyên nghiệp cũng phải tập thể thao để có sức khỏe và phải chia giờ chơi hợp lý”.
Đối với các học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh THPT FPT, vấn đề game online càng nóng hơn khi 100% học sinh của trường đều có laptop cá nhân, môi trường nội trú cùng yêu cầu học và ứng dụng nhiều CNTT, công nghệ số đang tạo nhiều thuận lợi cho việc chơi game online và trở thành mặt trái trong thời đại công dân số.
Theo phân loại sơ bộ của ông Trần Vũ Quang - Phó hiệu trưởng trường THPT FPT, trường có khá đông học sinh chơi game online. Bên cạnh nhóm học sinh chơi game để giải trí sau giờ học căng thẳng, vẫn có một số lượng không nhỏ các bạn học sinh ham thích chơi game online, mất kiểm soát thời gian, bỏ bê học hành, xa rời các hoạt động tập thể để chơi game. “Thay vì vậy, các bạn học sinh hoàn toàn có thể biến game online thành đam mê và theo đuổi nó một cách tích cực. Với triết lý đào tạo “Tôn trọng cá nhân” và tự do phát triển của THPT FPT, nhà trường không cấm nhưng không chế thời gian các bạn chơi game”, ông Quang chia sẻ.