Vẻ đẹp Huế. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải. |
Tập ký Trước nhà có cây hoàng mai của nhà báo Minh Tự mở then dẫn người đọc ghé vào cõi Huế ấy.
Nhà báo Minh Tự mở ra cõi Huế bằng một nét phác thanh nhã tựa những bức cổ họa thanh bình của bậc ẩn tu: gốc hoàng mai trước ngôi nhà thâm trầm cổ kính. Gốc hoàng mai là điểm nhấn trong những khu vườn xứ Huế, còn khu vườn, theo tác giả, là “nơi trú ngụ của tâm hồn Huế”.
Việt Nam có nhiều cố đô, nhưng dấu vết của những khu vườn cổ gần như không còn mấy, chỉ còn những “công viên”, vốn là dấu vết của quá trình Tây hóa theo lối hiện đại. “Vườn” khác với công viên, vườn mang dấu ấn cá nhân của người chủ, là nơi người chủ và những người thợ vườn biểu hiện góc bình yên nhất của tâm hồn.
Tác giả viết: “Vua chúa chơi vườn, thường dân cũng chơi vườn. Các vị tu sĩ cũng hành đạo bằng thú chơi thanh tao đó, làm nên loại hình vườn chùa nằm khắp thành phố. Còn có một kiểu nhà vườn khác nữa, đó là từ đường của các dòng họ, tôn nghiêm và mực thước. Lăng tẩm của các vị vua Nguyễn chẳng phải là những khu vườn Huế đó sao? Mỗi lăng là một kiểu vườn, mà lăng Minh Mạng và Tự Đức là hai tác phẩm nhà vườn Huế đạt đến tuyệt mỹ.”
Những khu vườn Huế qua trang viết của Minh Tự dễ gợi đến triết lý ẩn đằng sau những khu vườn Islam. Triết gia hiện đại người Pháp Alain de botton đã viết rằng đối với người Islam, vườn là nơi trú ngụ của linh hồn, là thiên đường nơi trần thế: “Khu vườn trở thành một ngôi nhà hoàn hảo cho những thú vui còn sót lại giữa thế gian rối bời; đó là nơi chúng ta có thể chỉnh trang để chiêm ngưỡng những hòn đảo của cái đẹp ngay khi chúng ta nhận ra và buồn bã chèo lái giữa bể khổ”.
Tác giả Minh Tự cũng tìm thấy triết lý này ở những người chủ vườn xứ Huế, nhưng vườn Huế không phải là sự mô phỏng thiên đường như những khu vườn Islam mà là sự hiện thực hóa thú vui điền viên dân dẫn bình yên trong những câu thơ cổ của bậc chí sĩ.
Từ vẻ đẹp điền viên của những khu vườn Huế, với gốc mai già, với ngôi nhà rường… nhà báo Minh Tự gợi lên nhiều câu hỏi lớn về dáng dấp của cố đô. Viết về những vẻ đẹp cổ xưa còn sót lại giữa làn sóng đô thị hóa, để trân trọng, để hiểu chân giá trị của một đô thị di sản. Giá trị của một đô thị di sản không nằm ở những tòa nhà cao tầng hay thu nhập bình quân trên đầu người, mà là vẻ thanh bình thư nhàn được tạo tác bởi các bậc trí giá. Trong bầu không khí ấy là những con người tỉ mẩn thương từng ngọn cỏ cành cây, là lãng đãng hồn thơ, là những cuộc đàm luận thư tịch…
Sách Trước nhà có cây hoàng mai. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Ai tới Huế cũng khen giá thành rẻ mà ngon, nhưng người ta cũng không quên chặc lưỡi chê Huế nghèo. Nhưng nhà báo Minh Tự gợi một góc nhìn khác về xứ Huế. Dân Huế không nghèo, dân Huế chỉ đề cao thú chơi, tức là trong sự chơi ấy, tiền bạc trở nên không quan trọng.
Khu vườn Huế đẹp dường ấy, đáng quý hơn những tòa nhà chọc trời có thể mang lại lợi nhuận trăm tỉ. Thôn làng Huế đẹp dường ấy, có vẻ như còn “đắt giá” hơn những khu đô thị hiện đại.
Xứ Huế không ăn để lấy no, không ăn thật nhanh, dân xứ Huế coi “ăn” là một thú chơi. Món bánh, bát bún, miếng mè xửng, bát chè sen…rẻ đến thế, nhưng cũng làm tinh xảo hết mực.
Nhà báo Minh Tự cho biết “trong kho tàng ẩm thực Việt có khoảng 1.700 món thì Huế chiếm đến 1.300 món, hiện còn lưu truyền trong dân gian 700 món”. Dẫu là món bình dân hay món ăn cung đình, người Huế cũng rất cầu kỳ trong các quy tắc kết hợp để đạt đến cảnh giới cao nhất của vị giác.
Đâu chỉ có thú ẩm thực hay thú điền viên, người Huế lấy chơi làm nghiệp của mình. Có những nghệ nhân vẽ tranh bằng mũi kim thêu. Có những người thợ chơi với nghề đan nón. Có người thợ vườn, có người thợ sửa nhà rường, có người sưu tầm tiền cổ.. Và có những bậc trí giả chơi với sách, với thơ… Nếu nói dân Huế “nghèo”, mà “nghèo” theo lối đó thì bao nhiêu người giàu ở xứ khác cũng không sánh nổi. Bởi vì, theo đuổi một thú chơi mà chẳng bận tâm đến tiền tài danh vọng, chính là lẽ sống của những người giàu: giàu cảm xúc, giàu tinh thần, giàu trí tuệ.
Người dân cõi Huế vẫn giữ được hồn cốt ấy, dẫu cho trải qua bao biến thiên của lịch sử. Bom đạn có thể tàn phá các di tích, nhưng hồn cốt Huế vẫn vậy, vẫn mỉm cười như gốc hoàng mai vào độ ra hoa kiêu sa không suy chuyển khí chất. Đó là khí chất cao quý của nước Việt Á Đông khi xưa còn sót lại, và hiện lên sống động trong từng trang viết của nhà báo Minh Tự: chân thực, thuần phác mà thanh nhã.
Cuốn sách không nuối tiếc “vang bóng một thời”, thông qua những ghi chép của nhà báo Minh Tự, cái đẹp cổ xưa vẫn hiện diện và đồng tồn ở thế giới hiện đại, và trở thành cõi bình yên lui về sau những chộn rộn của đời người.
Bài viết của nhà văn Hà Thủy Nguyên, được gửi từ email "[email protected]"