Tại lễ chia tay và trao bằng tốt nghiệp cho các sinh viên khóa 69,ệutrưởngsưphạmmonggiáoviêntươnglaikhôngthờơvàvôcảtỷ số tỷ số GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đã có những nhắn nhủ tới các tân cử nhân về lẽ sống và bản lĩnh.
GS Minh bày tỏ mong muốn các em sẽ là những người làm cho bức tranh giáo dụcsáng hơn, mỗi con người tốt hơn và là những người mang năng lượng tích cực hơn đến với cuộc sống.
“Điều đau đáu, trăn trở, có khi đau xót trong thầy là về lẽ sống, về yêu thương, về sự biết ơn và về những điều dường như ta đang vô tình dần đánh mất. Có thể thầy chưa đúng hết, cũng có thể cuộc sống chuyển động quá nhanh, cũng có thể vòng xoáy của cuộc đời cuốn ta vào cuộc, rồi ta không còn thời gian dành cho những điều tưởng chừng bé nhỏ nhưng rất đỗi đáng yêu.
Có xót xa không khi có học sinh phải chịu đựng trong cô đơn và đơn độc giã biệt cuộc đời? Có đau đớn không khi con cái trưởng thành rồi chỉ biết sống cho riêng mình, mặc cho mẹ cha trong cảnh cùng khốn khó? Có đáng suy ngẫm không khi ai đó dắt tay bà cụ sang đường như là biểu tượng của việc làm tử tế, mà lẽ ra đó là việc bình thường của một con người tử tế? Lẽ nào thiếu vắng đến thế chăng?
Và lẽ nào chúng ta bình tâm khi những đồng nghiệp của chúng ta hằng ngay đi qua những cung đường hiểm trở, đánh cược cuộc đời vì những trẻ thơ? Và chúng ta nghĩ gì, khi những đứa trẻ chen nhau trong những mái tôn ngày hè oi bức, đường đến trường với bước chân trần? Có nặng lòng không khi trẻ đến trường như một sự sợ hãi, lo âu?...
Xin đừng lý luận rằng, đó là cá biệt, mà hãy nhớ rằng, mỗi con người là một thế giới để yêu thương và phải được yêu thương. Hãy nhớ rằng giáo dục là để mỗi người được lớn lên theo những gì họ có; và làm một việc tốt như là lẽ tự nhiên của mỗi con người chứ không phải là chờ người ta quay phim, chụp ảnh, chờ biểu dương, khen thưởng…
Thầy mong muốn các em hãy đi đến tận cùng của cuộc sống, chạm đến đáy sâu tâm can của những kiếp người để không thờ ơ và trở thành vô cảm, để những gì chân chính trội lên. Thấu hiểu không phải để rồi bi lụy mà để nhen nhóm dần cái tốt đẹp bằng việc mình làm và đừng bao giờ để con tim nguội lạnh”.
Ông Minh cho rằng, thiếu vắng tình yêu thương sống ở đời đã khó, làm nghề giáo càng khó biết nhường nào. “Mong rằng, mai kia ra đời, các em dạy cho trẻ biết thương cha thương mẹ, biết ơn những đồng chua nước mặn, những nhọc nhằn để có bát cơm; biết sẻ chia với những phận đời không may mắn và vị tha với những lỗi lầm. Rồi sau đó mới dạy trẻ những tình yêu lớn lao hơn thế.
Chúng ta không thể thờ ơ với những thành công của công nghệ. Nếu không ta mãi mãi đi sau, nhưng xin nhớ rằng, một con người thiếu đi tình yêu thương thì tương lai trở thành bất định. Trước hết, dạy cho trẻ cách ứng xử trong môi trường số sao cho đúng mức và văn minh trước khi dạy các em làm những điều cao siêu hơn thế”.
Vị hiệu trưởng cũng mong các học trò của mình hãy là người bảo vệ tuổi thơ cho trẻ. Đừng để việc học đánh mất sự ngây thơ của trẻ.
“Thêm một nhúm kiến thức không trở thành người nổi tiếng, bồi đắp thêm tình yêu thương với con người, với thiên nhiên, làng xóm là bệ phóng của tương lai.
Hãy gạt bỏ cái tư tưởng biến đứa trẻ thành chuyên gia xuất sắc, mà luôn nhớ rằng giáo dục trẻ để chúng biết yêu thương, biết quan tâm, biết sẻ chia với những người gần gũi. Các em nhắn với phụ huynh rằng, đừng bắt con cái mình chín ép và trở thành công cụ thực hiện tham vọng của mình”, GS Minh nói.
GS Minh cũng mong các tân cử nhân sư phạm sẽ là người đi tạo dựng niềm tin. “Niềm tin không đến từ những lời hoa mỹ, phô trương; không đến từ sách vở đơn thuần. Niềm tin phải được bắt đầu từ cách ứng xử và việc làm. Sức mạnh của giáo dục là cảm hóa và phải bắt đầu từ cảm hóa chứ không phải bắt đầu bằng trừng phạt, hành hình. Cảm hóa bắt đầu bằng tình yêu thương và tha thứ; bằng những thấu hiểu để chạm đến con tim, để khơi lên gốc sâu của lòng trắc ẩn”.
Ra với cuộc đời, GS Minh khuyên các em đừng bao giờ ảo tượng đó là nơi của bình yên, là nơi thỏa sức để mình làm tất cả. “Nơi đó có những điều tốt đẹp, nhưng cũng có những đố kỵ, nhỏ nhen; cũng không thiếu những cạm bẫy, nhưng đó là cuộc sống, không ai chạy trốn được cả mà hãy đối diện với nó. Chỉ làm việc tốt thì mới đẩy lùi cái xấu, chứ không thể lập tức xóa đi cái xấu. Nơi đó cần bản lĩnh, cần kiên trì và cần cả thời gian”.
Vị hiệu trưởng cũng nhắn nhủ các học trò trước khi trở thành một tài năng thì cần là một người tử tế. Và không phải học thật cao mới trở thành người tử tế.
Đợt này, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trao bằng tốt nghiệp cho 1.309 tân cử nhân, trong đó có 264 em tốt nghiệp loại xuất sắc. |