Như Dân trí thông tin,ụtrảgiátỷmđấtSócSơnCóthểxửlýtộidanhnàlịch bong đá ngoại hạng anh Công an TP Hà Nội đang tạm giữ Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung và Nguyễn Thế Quân để điều tra hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản liên quan tới vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 trong phiên đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn.
Theo công an, hồi tháng 11, Tuấn biết thông tin về buổi đấu giá tại dự án thuộc xã Quang Tiến (Sóc Sơn) nên nhờ Dương mua hồ sơ đấu giá. Để chắc chắn trúng đấu giá, Tuấn thỏa thuận với Thành, Trung, Quân, Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Liên về việc cùng tham gia, thống nhất nâng giá tại buổi đấu giá.
Xác định mức giá cao nhất có thể mua của các lô đất là khoảng 32 triệu đồng/m2, các đối tượng thống nhất trả mức giá cao hơn để có thể tham gia các vòng đấu giá tiếp theo nhưng không cao hơn mức giá Tuấn thẩm định. Trường hợp có người trả cao hơn thì sẽ bỏ đấu giá để buộc việc đấu giá phải dừng, tổ chức lại vào lần sau.
Tại phiên đấu giá ngày 29/11, khi phát hiện giá đấu của quá nửa số lô đất vượt mức tối đa dự tính, các đối tượng đã đưa ra các mức giá phi lý, trong đó Phạm Ngọc Tuấn trả giá 30 tỷ đồng/m2 cho 3 thửa đất nhưng bỏ đấu giá, khiến cho việc đấu giá bất thành.
Độc giả Dân tríbăn khoăn, với diễn biến hành vi nêu trên, nhóm đối tượng có thể bị xử lý ra sao theo quy định pháp luật?.
Giải đáp băn khoăn của độc giả Dân trí, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá hành vi của nhóm đối tượng là những hành động coi thường pháp luật, mang tính chất phá hoại, gây ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan Nhà nước cũng như xâm phạm tới quyền, lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Việc cơ quan điều tra sớm vào cuộc để xác minh, xử lý nhóm đối tượng là hết sức kịp thời, thể hiện tính răn đe, sự nghiêm minh của pháp luật, ngăn chặn vấn nạn loạn giá đất đang diễn ra tại ngoại thành Hà Nội thời gian qua.
Dưới góc độ pháp lý, ông Giáp cho biết theo Điều 9 Luật Đấu giá 2016, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu giá bao gồm Lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi; Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; Hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật hay Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá...
Đối với trường hợp trên, có thể thấy các đối tượng đã có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản. Do đó, đây là hành vi vi phạm pháp luật và có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản theo Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo Điều này, người nào có hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản. Mức phạt cơ bản của tội danh này là phạt tiền 20-200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Trường hợp hành vi thuộc các tình tiết định khung như có tổ chức, phạm tội 2 lần trở lên, thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên hay gây thiệt hại từ 300 triệu đồng trở lên, mức phạt áp dụng là phạt tiền tối đa 1 tỷ đồng hoặc phạt tù 1-5 năm.
Đối với những ý kiến cho rằng đây là hành vi có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng, ông Giáp cho rằng hiện chưa có đủ cơ sở để xem xét dấu hiệu tội danh này bởi hành vi được thực hiện tại không gian trong hội trường, theo một trình tự kín đáo nhất định, các đối tượng cũng không có ý chí chủ quan về việc cố ý gây mất trật tự, mất an ninh địa bàn. Do đó, cần phải củng cố thêm hồ sơ để xác định có hay không dấu hiệu của tội danh này.